Giúp học sinh khiếm thị 'nhìn' thấy hình vẽ

10 năm gắn bó với học sinh khiếm thị, thầy Nguyễn Duy Quy, giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng) đã sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học giúp học sinh khiếm thị tiếp thu tốt bài học.

Đối với môn hình học, học sinh sẽ dựa vào khả năng của bản thân lời giảng của thầy để tưởng tượng ra hình vẽ. Để giúp học sinh “hình dung” được các hình vẽ và tiếp thu tốt bài học, thầy Quy đã sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học như bảng từ, bảng lưới. Bảng từ có cấu tạo là một tấm gỗ mỏng, phía sau gắn nam châm. Đi kèm với bảng từ là các thanh sắt mỏng, nhỏ, có các gờ nổi định vị. Với thiết bị này, hình vẽ được sắp xếp linh hoạt nhờ việc ghép nối các thanh sắt. Đồng thời, khi học sinh sờ tay vào hình, do các thanh sắt được hút chặt vào bảng nên hình vẽ sẽ không bị xáo trộn, thay đổi. Ngoài môn toán, bảng từ còn có thể ứng dụng để “viết” mạch điện trong môn lý hoặc công thức hóa học… Tuy nhiên, bảng từ chỉ giúp học sinh hình dung được hình vẽ, công thức hóa học hoặc mạch điện…, chứ không giúp học sinh vẽ hình. Từ đó, thầy Quy lại sáng tạo ra bảng lưới. Bảng lưới gồm một tấm lưới mắt ruồi gắn một tấm bìa các-tông phía trên. Khi vẽ hình, bút đi qua các mắt lưới sẽ để lại những chấm nổi trên tờ giấy. Với thiết bị này, học sinh có thể vẽ được hình vào vở học của mình. Đồng thời, thầy Quy còn sáng tạo một dụng cụ vẽ hình chữ nổi để chuyển tải hình vẽ môn Toán lớp 9 thành Tập hình vẽ chữ nổi Toán lớp 9. Khi dạy học, thầy sử dụng tập hình vẽ này để học sinh “sờ, nắn” hình vẽ. Tập hình vẽ này kết hợp với công nghệ in nhựa có thể tái bản thành nhiều cuốn. Với những sáng tạo nói trên, thầy Quy đã nhận được nhiều giải thưởng của Bộ GD-ĐT; Sở GD-ĐT Đà Nẵng và Hội thi sáng tạo kỹ thuật của TP Đà Nẵng.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/KHCN/Giup-hoc-sinh-khiem-thi-nhin-thay-hinh-ve/20103/85754.datviet