Gỡ khó để khai thác hiệu quả 'mỏ vàng trắng'

Những năm gần đây, chim yến từ đâu di cư nhiều về huyện vùng biên Ea Súp (Đắk Lắk) sinh sống, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Thế nhưng, việc khai thác 'mỏ vàng trắng' từ tổ yến vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.

Tiềm năng lớn

Ea Súp là huyện nghèo, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thường xảy ra thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Mấy năm gần đây, chim yến di cư nhiều đến địa bàn huyện sinh sống, làm tổ tại một số hộ dân và cho thu nhập cao. Từ đó người dân đã phát triển nghề nuôi chim yến tự phát.

Hơn 40 năm sinh sống tại thôn 5, thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), ông Nguyễn Bá Thành cho biết, gia đình có hơn 1,1ha đất, đã trồng đủ loại cây như điều, xoài, nhãn, bơ, lúa, bắp... nhưng do đất cằn cỗi nên đều không hiệu quả. Năm nào được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa, cuộc sống gia đình rất bấp bênh. “Rồi tôi thấy chim yến từ đâu di cư về, một số hộ dân làm nhà thì chim yến vào làm tổ, nhờ đó thu nhập ổn định nên năm 2022, tôi quyết định chi hơn 1 tỷ đồng xây nhà dẫn dụ chim yến. Hai năm qua, đàn chim yến về làm tổ và cho thu nhập ổn định hơn các mô hình kinh tế khác. Tôi mong chính quyền tạo điều kiện cho các gia đình và người dân Ea Súp phát triển nghề nuôi chim yến”, ông Nguyễn Bá Thành bày tỏ.

Nhà dẫn dụ chim yến của người dân ở thôn 5, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Theo UBND huyện Ea Súp, địa phương có tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến. Diện tích đất tự nhiên toàn huyện hơn 176.530ha, địa hình tương đối bằng phẳng, mật độ dân cư thưa, diện tích đất ở, đất nông nghiệp rộng, đất chưa xây dựng lớn. Nơi đây không thường xuyên có bão nên đàn chim yến ít chịu tác động của thời tiết. Bao năm qua, địa phương chưa tìm được cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả cao bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (Ea Súp được ví như “chảo lửa” của tỉnh Đắk Lắk). Do đó, khi chim yến xuất hiện, cư ngụ tại huyện đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho địa phương. Việc phát triển nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn cần được xem xét hợp lý, tạo sinh kế cho người dân.

Cần gỡ nút thắt

Hiện nay, việc xây dựng nhà nuôi chim yến và cải tạo nhà ở kết hợp nuôi chim yến trên địa bàn huyện Ea Súp của người dân hầu hết là tự phát, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và định hướng phát triển nghề nuôi chim yến trên địa bàn. Qua thống kê của UBND huyện Ea Súp, toàn huyện hiện có 211 nhà nuôi chim yến, trong đó, riêng thị trấn Ea Súp có gần 50 nhà. Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết thêm: “Trong quá trình cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, một số hộ dân sử dụng không gian tầng trên để dẫn dụ chim yến, không đúng với nội dung giấy phép, sử dụng đất sai mục đích. Đến nay, huyện đã lập hồ sơ 20 trường hợp vi phạm hành chính liên quan đến xây dựng nhà dẫn dụ chim yến. Chủ vi phạm đã nộp tiền phạt nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”.

Lãnh đạo huyện Ea Súp thông tin thêm, các điều kiện, thủ tục, văn bản hướng dẫn về việc quản lý nhà dẫn dụ chim yến còn bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng. Luật Xây dựng chưa quy định rõ về cấp phép xây dựng công trình nhà dẫn dụ chim yến. Khoảng cách giữa vùng được xây dựng và không được xây dựng nhà dẫn dụ chim yến còn bất cập dẫn đến sự so sánh của người dân. Để dẫn dụ chim yến vào nhà làm tổ, người dân phải gắn thiết bị phát âm thanh nhưng các cơ quan chuyên môn của huyện chưa được trang bị thiết bị đo âm lượng chuyên dụng để xử lý những trường hợp vi phạm. Nhằm khai phá “mỏ vàng trắng”, UBND huyện Ea Súp kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành liên quan đánh giá hiệu quả, định hướng đối với việc phát triển nghề nuôi chim yến trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể về quy mô, kết cấu công trình nhà yến để người dân và cơ quan quản lý thuận lợi trong quá trình thực hiện. UBND huyện Ea Súp cũng kiến nghị HĐND tỉnh Đắk Lắk xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 13-8-2021 quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng dẫn dụ chim yến; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo hướng mở hơn. Bởi vì, chim yến là loài sinh sống hoang dã, việc quy hoạch địa điểm nuôi cụ thể rất khó, không phù hợp với “chim trời, cá nước”.

Trước các kiến nghị của UBND huyện Ea Súp, tại cuộc họp báo thường kỳ tổ chức ngày 14-3-2024, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu, xem xét, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tế; yêu cầu UBND huyện Ea Súp xử lý nghiêm theo quy định, tránh lơ là, khó xử lý về sau đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động xây dựng, dẫn dụ chim yến.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-de-khai-thac-hieu-qua-mo-vang-trang-774169