Gỡ khó về tín dụng cho nông nghiệp

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Đáp ứng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 15/8, đại diện một số bộ, ngành khẳng định Nhà nước đang tích cực tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho nông nghiệp, giúp người nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng.

Vốn nhiều, nông dân vẫn khó vay

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: Nguồn vốn dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn không thiếu; hệ thống ngân hàng đã “vươn” tới tận từng thôn, bản. “Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có tác động rất tích cực đến nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với tín dụng. Thời điểm bắt đầu có Nghị định 41 (ban hành năm 2010), tín dụng cho tam nông mới là 292.000 tỷ đồng; đến nay, nguồn vốn cho nông nghiệp đã lên đến 622.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NHNN cho biết. Tuy nhiên, thực tế người nông dân vẫn khó tiếp cận vốn vay.

Ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Trung ương (TW) Hội Nông dân cho biết, khi nông dân vay vốn thông qua Hội, họ làm ăn rất hiệu quả. Thế nhưng tỷ lệ được vay vốn đối với hộ nông dân hiện không nhiều. Sau khi Hội Nông dân ký Nghị quyết liên tịch với NHNN, vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) ủy thác qua TW Hội Nông dân Việt Nam chỉ được 13.000 tỷ đồng, với chưa được nửa triệu hộ nông dân được vay vốn. Theo ông Môn, hiện có rất nhiều rào cản khiến nông dân khó vay vốn. Thứ nhất, khoản vay thì nhỏ lẻ nhưng vẫn yêu cầu có sổ đỏ. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân sống ở các thị trấn, thị tứ, giáp ranh đô thị mặc dù vẫn làm nông nghiệp nhưng lại không được vay. Đó là chưa kể đến hiện còn quá nhiều thủ tục trong khi bà con nông dân trình độ có hạn. Nguyên nhân nữa là rủi ro nông nghiệp còn cao.

Để nông dân gắn bó với đồng ruộng hơn, một trong những giải pháp là phải gỡ khó tín dụng; tiếp đó là bảo hiểm cho nông nghiệp và lo đầu ra cho sản phẩm. “Khi nông dân làm ruộng có lãi, bảo đảm cuộc sống thì họ sẽ không bỏ ruộng”, ông Môn nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều bất lợi đang dồn lên vai nông dân. Do đó, về phía Hội Nông dân, ông Môn khẳng định sẽ tham gia đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn về vay vốn, hướng dẫn bà con cách làm ăn, quản lý đầu vào, dạy nghề. Để vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân về đúng địa chỉ, cần cơ chế giám sát của cả hệ thống chính trị, chứ không riêng Hội Nông dân.

Cải tiến bảo hiểm nông nghiệp

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Tài chính, chính sách thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp đã được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thời gian qua (áp dụng đối với 20 tỉnh cũng như 7 nhóm sản phẩm nông nghiệp kể cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nông dân.

Ông Nguyễn Viết Mạnh chia sẻ: Đây là lĩnh vực mới nên trong việc tổ chức bộ máy, kiểm tra giám sát, không ít doanh nghiệp còn lúng túng. Trong quá trình triển khai, do chưa có kinh nghiệm nên một số doanh nghiệp bảo hiểm bị lợi dụng”.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại và triển khai tốt công tác bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng: Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ về phí bảo hiểm cho nông dân; mở rộng quy mô địa bàn bảo hiểm đối với cây lúa để phục vụ số đông nông dân; cần có sự phối hợp chặt các cấp chính quyền địa phương với các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tuyên truyền, triển khai cấp đơn bảo hiểm và giải quyết bồi thường cho người nông dân; các doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu cải tiến sản phẩm bảo hiểm, điều kiện/điều khoản bảo hiểm và phương thức tái bảo hiểm phù hợp với thị trường hơn.

M.Minh - M.Phương

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/go-kho-ve-tin-dung-cho-nong-nghiep-20130816084428917.htm