Gỡ khó xây dựng nông thôn mới

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đem lại những hiệu quả bước đầu, giúp bộ mặt nông thôn dần được cải thiện.Tuy nhiên, thời gian qua vì quá chú trọng về xây dựng cơ bản mà số tiền nợ đọng đã lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Trao đổi với ĐĐK, ông Lê Quang Huy- Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, phải xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất và phát triển kinh tế, đó là vấn đề cốt lõi của NTM, từ đó vừa gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Ông Lê Quang Huy.

PV: Thưa ông hiện nay số tiền nợ đọng trong xây dựng NTM đã lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Theo ông cần giải pháp nào để tháo gỡ cho các địa phương?

Ông Lê Quang Huy: Trong thời gian qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã triển khai rộng rãi trên cả nước, đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc- đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có vấn đề là làm sao xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất và phát triển kinh tế. Đó là vấn đề cốt lõi của NTM; từ đó vừa gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Để xây dựng mô hình đó như thế nào có mấy vấn đề như: vốn đầu tư, đất đai để sản xuất, khoa học - công nghệ và nhân lực. Trong đó, nhân lực không chỉ cho doanh nghiệp (DN) mà còn nhân lực cho người lao động.

Người nông dân là chủ thể của nông thôn mới, nhưng trung tâm phải là DN, các hợp tác xã (HTX) kiểu mới thì mới có thể giúp người dân xây dựng và triển khai các mô hình đó có hiệu quả.

Các giải pháp thì có nhiều nhưng tôi cho rằng nhóm giải pháp về cơ chế chính sách là rất quan trọng cho DN và HTX phát triển. Tại kỳ họp thứ 2 này, Quốc hội tập trung xây dựng các hệ thống chính sách đó, cụ thể hóa ra pháp luật như: Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, rồi hỗ trợ công tác thủy lợi cho nông dân. Các dự án luật đó có tác dụng tích cực, có nhiều nội dung giúp DN, HTX có thể triển khai được.

Nhưng muốn các chính sách đi vào cuộc sống; Thứ nhất là các định chế đó phải rất cụ thể, tránh chung chung, kịp thời, phù hợp và đáp ứng nhu cầu của DN và các cơ quan có thể giúp đỡ DN. Vì thời gian qua có những cơ chế đưa ra nhưng không phù hợp. Ví dụ cơ chế hỗ trợ cho DN. Làm công nghệ tưới tiêu khác với công nghệ chế biến gỗ do đó phải trúng vào việc người ta cần gì thì cung cấp cái đấy.

Thứ hai là các cơ chế chính sách đưa ra phải được cụ thể hóa kịp thời. Trong thời gian gần đây có nhiều luật, chính sách rất tốt nhưng khi cụ thể hóa rất chậm trễ. Có những hướng dẫn, quy chế, thông tư, quy định trong luật nhưng cụ thể hóa chậm làm cho hiệu quả của nó trong việc giúp cho DN không lớn.

Có cái chậm 1 năm, có cái 3 năm, thậm chí có cái từ 7-10 năm thì làm sao mà giúp cho DN, HTX để thúc đẩy được các mô hình thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy sản xuất trong xây dựng NTM được. Sản xuất phát triển thì sẽ có tiền để trả nợ.

Thời gian qua chúng ta đã có các cơ chế để hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng xem ra DN chưa mặn mà lắm, thưa ông?

- Thời gian qua, việc hỗ trợ cho DN có nhiều chương trình, trong đó có các chương trình đưa vào trong NTM, nông nghiệp. Tuy nhiên quá nhiều chương trình, quá nhiều cơ quan triển khai thì nó cũng như chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, theo tôi, làm sao co gọn để tập trung nguồn lực thì sẽ cộng hưởng và phát huy được sức mạnh tổng hợp.

Theo ông, giai đoạn tới của xây dựng NTM 2016-2020 thì việc đổi mới sản xuất trong nông thôn mới gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng như thế nào?

- Điều tôi muốn nhấn mạnh là chính các cơ chế mà tôi nói ở trên sẽ giúp cho DN, HTX, tức là nông dân không phải đơn lẻ mà có thể tập hợp, hỗ trợ, liên kết với nhau để sản xuất thì mới phát triển. Nhưng trong quá trình triển khai chính sách phải rà soát và đánh giá lại, và luôn xác định trách nhiệm của từng đối tượng cụ thể như thế nào?

Thực tế tại địa phương tôi thấy có nhiều rào cản lớn về cơ chế, thủ tục hành chính rườm rà làm cho doanh nghiệp nản lòng. Muốn triển khai được các mô hình đó thì trong bản chất của nông nghiệp có hai vấn đề lớn.

Đó là tích tụ đất đai để đủ điều kiện nhằm đưa kỹ thuật vào; đưa khoa học công nghệ vào. Song muốn đưa khoa học công nghệ vào để thúc đẩy sản xuất phải xác định có nhu cầu thực sự.

Nghĩa là có cầu về khoa học công nghệ từ phía các DN chứ không phải Nhà nước đưa đến vì nó phải xuất phát từ nhu cầu tự thân. Khi khoa học công nghệ trở thành nhu cầu thì tự thân DN phải đi kiếm khoa học công nghệ để trở thành một động lực tạo ra giá trị lợi nhuận, sức cạnh tranh của DN.

Để thị trường khoa học - công nghệ trong nông nghiệp đẩy vào các mô hình sản xuất thì khâu trung gian rất quan trọng. Tức là phải có môi giới, giao diện kết nối được hai bên thì khi ấy khoa học - công nghệ mới phát huy được giá trị trong nông nghiệp.

Vì các giáo sư, các nhà khoa học tại các viện, trường nghiên cứu có thể rất giỏi; có các sản phẩm, công trình nghiên cứu nhưng để chuyển được nó vào trong ứng dụng sản xuất thì là một khoảng cách rất lớn. Do đó các định chế trung gian là quan trọng để làm sao kết nối được với bà con nông dân và HTX.

Do vậy trong các định chế làm sao có thể phối hợp, liên kết được để phát huy được sức mạnh. Đầu tư vào trong nông nghiệp là rất rủi ro lợi nhuận thấp nên ít DN mặn mà.

Cho nên trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách làm sao phải quan tâm có cơ chế để hỗ trợ rủi ro, có thể chia sẻ với DN như: cơ chế bảo hiểm, quỹ như thế nào để giúp cho họ yên tâm rằng luôn có người đồng hành, chia sẻ giúp đỡ họ trong triển khai.

NTM tập trung vào các mô hình tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế thì mới bền vững, và kết lõi, giúp người dân có thể nâng cao đời sống, thu nhập vật chất, đời sống tinh thần được nâng lên. Đó mới là thành công của NTM giai đoạn tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Thắng (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/go-kho-xay-dung-nong-thon-moi/131302