Gỡ rối trong đào tạo ngành văn hóa - nghệ thuật

Trong hai ngày 5 và 6-7 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học nâng cao chất lượng văn hóa - nghệ thuật, TDTT và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực. Tại đây, những khó khăn trong đào tạo nhân lực văn hóa - nghệ thuật đã được "gỡ rối" để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tài năng nghệ thuật đang ở đâu?

Theo các đại biểu, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, dân trí nâng cao, từ đó kéo theo nhu cầu thưởng thức tác phẩm sân khấu, điện ảnh có giá trị nghệ thuật cũng thay đổi. Các nhà tuyển dụng nghệ thuật như đoàn nghệ thuật, hãng phim, đài truyền hình, công ty truyền thông - quảng cáo... đòi hỏi sinh viên ra trường phải giỏi chuyên môn, tài năng, sáng tạo. Nhưng thực tế, sinh viên khối văn hóa - nghệ thuật ra trường rất khó xin việc do chưa đáp ứng được nhu cầu trên. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải sử dụng chuyên gia và nhân viên nước ngoài để đáp ứng cho việc phát triển văn hóa - giải trí tại Việt Nam. Điển hình, cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” đã sử dụng khá nhiều vũ công ngoại quốc, cuộc thi hoa khôi - hoa hậu sử dụng chuyên gia trình diễn catwalk nước ngoài. Đặc biệt nhiều công ty truyền thông, hãng phim tư nhân tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu sử dụng lao động nước ngoài ở các vị trí quan trọng như: kỹ thuật, quay phim, đạo diễn TVC quảng cáo, tổ chức sự kiện.

Việc đào tạo tài năng nghệ thuật gặp nhiều khó khăn.

Khi nhu cầu không đủ đáp ứng, các doanh nghiệp cũng không phát triển được, tạo điều kiện cho các tập đoàn giải trí ngoại quốc "tấn công" ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nhất ở TP Hồ Chí Minh, nơi được xem là cái nôi nhập khẩu nhiều chương trình giải trí của nước ngoài để phục vụ công chúng trong nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thừa nhận: “Bây giờ điều kiện đào tạo chúng ta tốt hơn xưa rất nhiều nhưng nghệ thuật đang có sự đi xuống. Đây là điều khiến chúng ta lo lắng vì đào tạo văn hóa nghệ thuật sẽ không xuất hiện sản phẩm ngay, nhưng sản phẩm đó góp phần bồi đắp cho cả một nền văn hóa dân tộc”. Tài năng thiếu hụt, trong khi các lớp nghệ thuật ứng dụng có hàng loạt sinh viên được đào tạo ra nhưng không xin được việc làm, làm trái ngành nghề tạo ra sự lãng phí nguồn lực xã hội. Biên đạo múa Trần Ly Ly cũng nêu quan điểm: “Tài năng nghệ thuật mất 10 năm, thậm chí 20 năm mới xuất hiện một ngôi sao xuất chúng. Nếu chúng ta không sớm bồi dưỡng, tìm kiếm tài năng thì một thiệt thòi lớn cho đất nước”.

Cần có quy chế riêng

Theo các đại biểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm tài năng nghệ thuật trong nước là do tư duy đào tạo nghệ thuật của chúng ta không theo kịp yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn về mặt quy chế để phát triển đào tạo. Cụ thể, các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật nước ta được xếp vào trường đặc thù. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa có văn bản nào chính thức công nhận, do đó về quy chế quản lý, quy chế đào tạo đều phải áp dụng theo như quy định chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Theo ông Hoàng Tự Dung - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Phú Thọ, do chưa được công nhận là trường đặc thù nên phải tuyển sinh theo đúng quy định của các trường trung cấp khác, tức phải có 1 giảng viên/25 sinh viên, như vậy thì quá đông và giảng dạy không chất lượng. Trong khi đó một số môn nghệ thuật đòi hỏi một thầy kèm một trò như các môn nhạc công.

Mặt khác, theo quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo, các trường muốn mở khoa cần có 3 thạc sĩ và 1 tiến sĩ giảng dạy. Nhưng trên thực tế ngành nghệ thuật dân gian đặc thù nên không có đào tạo được tiến sĩ, thạc sĩ. Do đó, tại hội thảo này, các nhà quản lý các trường nghệ thuật đã thống nhất, đối với ngành văn hóa - nghệ thuật có danh hiệu NSƯT, NSND vì thế sẽ đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận NSƯT được tính như là thạc sĩ, một NSND được tính như một tiến sĩ. Có như vậy mới tháo gỡ được khó khăn khi mở ngành.

Bên cạnh đó, vì chưa được công nhận là trường đặc thù nên các trường nghệ thuật cũng buộc phải tuân thủ chủ trương tự chủ tài chính. Trước mắt việc đào tạo nghệ thuật gặp phải khó khăn một phần do thiếu hỗ trợ tài chính, nếu các trường phải tự chủ thì sẽ làm thay đổi cả hệ thống đào tạo. Biên đạo múa Trần Ly Ly trăn trở: “Khi áp dụng tự chủ kinh tế vào nghệ thuật sẽ gây ra sự biến đổi từ nghệ thuật đỉnh cao sang nghệ thuật thị trường. Tác động rõ rệt là biến đổi cả văn hóa của chúng ta, sẽ mất đi hoàn toàn nghệ thuật truyền thống như vậy đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước về giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống”.

Tuệ Diễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/840068/go-roi-trong-dao-tao-nganh-van-hoa---nghe-thuat