Gỗ Trường Thành, ATA lãi giả, lỗ thật sau kiểm toán: Ai chịu trách nhiệm?

Doanh nghiệp đột ngột chuyển từ lãi chuyển sang lỗ sao kiểm toán như Gỗ Trường Thành, NTACO,… khiến nhà đầu tư nghi ngờ về báo cáo tài chính của các cổ phiếu mình đang nắm giữ.

Thị trường chứng khoán chưa hết chấn động bởi 1 loạt thông tin về Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành: mã chứng khoán: TTF),thì nay lại tiếp nhận thêm thông tin CTCP NTACO (mã ATA), cũng bị lỗ hàng trăm tỷ vì hàng tồn kho bốc hơi gây choáng váng cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp Gỗ Trường Thành là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Trong quý 1/2016, TTF công bố lãi 54 tỷ đồng. Nhưng đến quý sau, quý 2/2016, báo cáo tài chính của TTF bất ngờ công có khoản lỗ lên tới 1.123 tỷ đồng. Theo giải thích của đơn vị kiểm toán (Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam), có khoản lỗ trên là do đơn vị đã phát hiện có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.

Cũng giống như Gỗ Trường Thành, doanh nghiệp ATA sau khi kiểm toán cũng cho biết, toàn bộ 364 tỷ đồng hàng tồn kho của doanh nghiệp này đã bốc hơi. Toàn bộ giá trị hàng tồn kho biến mất được cộng vào chi phí, khiến ATA thua lỗ 426 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 300 tỷ. Kết quả, tổng tài sản của ATA đến cuối năm 2015 chỉ còn 164 tỷ đồng, bằng 1/5 so với hồi đầu năm.

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp diễn ra hiện tượng “sai lệch về thông tin” trong hoạt động kiểm toán khiến doanh nghiệp từ lãi chuyển sang lỗ và ngược lại, lỗ chuyển sang lãi như Gỗ Trường Thành, NTACO,… đã khiến nhà đầu tư nghi ngờ về báo cáo tài chính của các cổ phiếu mình đang nắm giữ có chính xác hay không cũng như tính xác thực và minh bạch từ thông tin của kiểm toán hiện nay.

Về vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam

Thưa ông, sự việc diễn ra tại Gỗ Trường thành, NTACO và 1 số doanh nghiệp khác khiến nhà đầu tư nghi ngờ việc minh bạch thông tin trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Đặng Văn Thanh: Trường hợp về Gỗ Trường Thành hay NTACO tôi cũng mới nghe và chưa nắm thông tin đầy đủ nhưng tôi cho rằng, nếu thực sự có sai sót, có gian lận thì đây là vấn đề rất nghiêm trọng vì nó liên quan đến vấn đề thông tin của báo cáo tài chính trong việc công khai và công bố.

Chúng ta đã từng nghe thông tin có những công ty đã hạch toán, báo cáo là lãi nhưng khi các công ty kiểm toán vào kiểm toán, đánh giá chức năng thì lại là lỗ và ngược lại.

Hoặc có trường hợp công ty được đánh giá là có năng lực tài chính rất tốt nhưng sau khi công ty kiểm toán kiểm tra, đánh giá thì thấy rằng trong hoạt động tài chính của công ty này có vấn đề. Và đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm trong điều kiện, bối cảnh thị trường tài chính của chúng ta rất cần có sự bình đẳng, minh bạch.

Theo ông, vì sao báo cáo tài chính giữa doanh nghiệp và công ty kiểm toán lại có sự “vênh” nhau như vậy?

Ông Đặng Văn Thanh: Về nguyên tắc, báo cáo tài chính là trình bày các thông tin của doanh nghiệp theo quy định của luật pháp nhà nước có thể được lập theo định kỳ, có thể là báo cáo đột xuất và những thông tin đó do các kế toán viên và kế toán trưởng chịu trách nhiệm lập trên cơ sở các chứng từ kế toán, các số liệu kế toán đã được xử lý theo những chuẩn mực của nguyên tắc kế toán của doanh nghiệp.

Nhưng thực tế có thể xảy ra sự chênh lệch. Có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân và trong kế toán kiểm toán người ta có thể gọi là có sự sai sót, có gian lận.

Nếu do sai sót nghiệp vụ như hạch toán nhầm, bỏ sót… thì có thể chấp nhận và những cái này không nghiêm trọng, nhưng việc gian lận thì nghiêm trọng. Gian lận có thể có chủ ý với mục đích đánh bóng danh hiệu của doanh nghiệp, làm đẹp con số để thu hút vốn đầu tư, đánh lừa các cổ đông, hay mục đích để tăng cường quan hệ với các bạn hàng…

Từ sự việc “sai lệch thông tin” của Gỗ Trường Thành, hay NTACO biễn lãi thành lỗ, vậy chúng ta có thể đặt câu hỏi về trách nhiệm của các công ty kiểm toán trong các trường hợp này hay không, thưa ông?

Ông Đặng Văn Thanh: Tôi nghĩ vấn đề quan trọng là phải xem kỹ về phạm vi, đối tượng kiểm toán như thế nào. Nếu hoạt động kiểm toán có báo cáo tài chính đầy đủ và toàn diện thì lại phải xem xét đến khả năng loại trừ những xác nhận, bằng chứng mà cơ quan kiểm toán, đơn vị kiểm toán đã thu thập được công bố để từ đó chúng ta mới có cơ sở kết luận.

Nếu công ty kiểm toán xác nhận sự chính xác, trung thực của báo cáo tài chính đồng thời cũng xác nhận rằng sự trình bày trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó được tuân thủ theo chuẩn mực của kiểm toán thì rõ ràng trách nhiệm này liên quan đến vấn đề pháp lý.

Nhiều trường hợp phải thay đổi cơ quan kiểm toán mới phát hiện ra sai sót của doanh nghiệp. Có hay không chuyện doanh nghiệp “bắt tay” với cơ quan kiểm toán để tạo ra một “báo cáo tài chính đẹp”, thưa ông?

Ông Đặng Văn Thanh: Điều này không phải được xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Cần phải xem xét phạm vi, đối tượng cần kiểm toán vì đây là quan hệ kiểm toán - dịch vụ theo sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp với cơ quan kiểm toán nên phạm vi kiểm toán đến đâu, độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp cung cấp ở mức độ nào... cần được xét kỹ.

Hơn nữa, trong quá trình kiểm toán thì công ty kiểm toán có được tiếp cận đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp không? Đơn cử như kiểm toán hàng tồn kho của doanh nghiệp, trong trường hợp này, kiểm toán có chứng cứ để kiểm kê hay không, có được đối chiếu với số liệu sổ sách của kế toán cung cấp so với số liệu thực tế của doanh nghiệp hay không?....

Trong quá trình kiểm toán, vì chưa đối chiếu được hàng hóa, kho chưa kiểm kê được, công nợ và tiền ngân hàng chưa kiểm tra được… thì việc xác định về độ tin cậy và chính xác của tài sản đạt đến mức độ nào đó trên cơ sở của báo cáo tài chính chuẩn mực mà doanh nghiệp cung cấp là cả một vấn đề.

Vì thế để đánh giá mức độ sai phạm của công ty hay của kiểm toán cần phải được xem xét 1 cách rất cụ thể, đặc biệt là phải xem xét các hợp đồng kiểm toán, cách thức của kiểm toán.

Xin cảm ơn ông.

Hải Yến (Ghi)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/go-truong-thanh-ata-lai-gia-lo-that-sau-kiem-toan-ai-chiu-trach-nhiem-post207361.info