Gỡ vướng chính sách thuế cho các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập

Do không nắm các quy định liên quan nên thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục công lập chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, lựa chọn phương pháp tính thuế chưa phù hợp với mô hình hoạt động của đơn vị… Để hỗ trợ các cơ sở giáo dục công lập cập nhật chính sách thuế và thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế. Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh đã có những chia sẻ liên quan đến vấn đề này.

 Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế

Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế

Theo bà Âu Thị Nguyệt Liên, trong thời gian thực hiện hỗ trợ quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhiều đơn vị đang hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo công lập có nhiều thắc mắc liên quan đến những chính sách thuế áp dụng với đơn vị mình. Trong đó, câu hỏi nhiều nhất vẫn là đơn vị có phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN hay sử dụng hóa đơn điện tử như thế nào để không bị xử phạt.

Theo bà, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nào sẽ không chịu thuế giá trị gia tăng?

Pháp luật về thuế GTGT đã quy định đối tượng không chịu thuế GTGT trong lĩnh vực giáo dục như: dạy học, dạy nghề bao gồm dạy ngoại ngữ, tin học; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao.

Ngoài ra, những khoản thu từ tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác mà cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu dưới hình thức thu hộ, chi hộ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Các khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên cũng thuộc đối tượng không chịu thuế này.

Bà có thể chia sẻ thêm về phương pháp tính thuế GTGT và hồ sơ khai thuế mà các cơ sở giáo dục công lập sẽ áp dụng?

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chỉ có 1 hoạt động là dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về thuế (đối tượng không chịu thuế GTGT) thì không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT. Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vừa có hoạt động dạy học, dạy nghề (đối tượng không chịu thuế GTGT); vừa cung cấp các hàng hóa, dịch vụ khác ngoài hoạt động dạy học, dạy nghề nêu trên (đối tượng chịu thuế GTGT) thì phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT.

 Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp không phải chịu thuế (ảnh minh họa)

Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp không phải chịu thuế (ảnh minh họa)

Trên thực tế, các trường có thể có nhiều khoản thu khác nhau, trong đó có các khoản thu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Do đó, Cục Thuế đề nghị các trường cần lưu ý. Trường hợp ngoài khoản thu từ học phí, nếu đơn vị phát sinh các khoản thu khác chịu thuế GTGT thì đơn vị vẫn phải kê khai thuế GTGT. Trong đó, khoản thu từ học phí được kê khai vào chỉ tiêu doanh thu không chịu thuế trên tờ khai thuế GTGT.

Về chính sách thuế TNDN trong lĩnh vực này thì sao thưa bà?

Theo pháp luật về thuế TNDN, về nguyên tắc đơn vị sự nghiệp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập thì số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất. Trường hợp các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Đối với hoạt động giáo dục, tỷ lệ này là 2%.

Vậy, các cơ sở giáo dục ngoài công lập vẫn phải áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định?

Đúng vậy, sử dụng hóa đơn điện tử trong mua, bán hàng hóa, dịch vụ là quy định bắt buộc. Các cơ sở giáo dục thực hiện lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm xuất hóa đơn điện tử cho học sinh, sinh viên tương ứng với mỗi lần thu học phí. Thời điểm xuất hóa đơn thu học phí là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Trường hợp, người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền. Học sinh, sinh viên thường đóng học phí vào đầu năm học hoặc đầu học kỳ thì thời điểm xuất hóa đơn thu học phí là thời điểm thu tiền. Trường hợp vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn thì bị xử phạt theo quy định.

Từ góc độ hỗ trợ người nộp thuế, bà có lời khuyên gì cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo công lập trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ thuế liên quan?

Cục Thuế đề nghị các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thực hiện kê khai, xác định nghĩa vụ thuế đúng theo các văn bản quy định pháp luật và đúng thời hạn theo quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị người nộp thuế liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn và hỗ trợ.

Xin cảm ơn bà!

HOÀNG ANH (Ghi)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/go-vuong-chinh-sach-thue-cho-cac-co-so-giao-duc-dao-tao-cong-lap-140746.html