Gỡ vướng tín dụng cho PPP

Mô hình đầu tư PPP là Nhà nước và Nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng,… Tuy nhiên, cho đến nay rất ít các dự án đầu tư theo hình thức này được vay vốn ngân hàng.

Thông qua PPP, Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án nhằm kết hợp được những điểm mạnh của cả hai khu vực này. Tuy nhiên, do việc thực hiện mô hình PPP còn mới mẻ đối với Việt Nam, nên việc thu hút nguồn lực để phát triển ở lĩnh vực này tương đối khó khăn, nhất là thu hút nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

Với vốn đầu tư dự kiến khoảng 757 triệu USD và có tổng chiều dài 100km, dự án Dầu Giây - Phan Thiết là một kết nối quan trọng trên hệ thống đường cao tốc Bắc Nam nói chung và giữa TP HCM với các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận nói riêng.

Chưa có cơ chế bảo lãnh

Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Thông tư 06/2016/TT-NHNN và thông tư 05/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 của NHNN quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2017 là 50% và từ năm 2018 là 40% đã tạo ra rào cản cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng.

Do vậy, các TCTD trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án theo hình thức PPP còn hạn chế.

Một số khó khăn đối với việc cho vay đầu tư các dự án là các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định của Chính phủ nên chưa có hành lang pháp lý. Do đó, hoạt động của hình thức đầu tư này vẫn còn phụ thuộc vào một số luật như Luật DN, Luật Đấu thầu...
Riêng đối với vốn tín dụng thương mại nước ngoài, qua thực tiễn đàm phán triển khai các dự án PPP hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông đều cho thấy, họ luôn yêu cầu các cơ chế bảo lãnh đặc thù cho các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ…

Trong khi đó, các dự án đầu tư theo hình thức PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm, nên sẽ có những khó khăn về thu xếp vốn.

Hơn nữa, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án. Nhiều phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý, vốn đối ứng tham gia dự án thấp, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án.

Gỡ khó vốn cho PPP

Đại diện Lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank cho biết, để thu hút đầu tư theo hình thức PPP, các cơ quan ban ngành, cần hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc bố trí tài chính tối thiểu để làm đối ứng cho các dự án PPP cần phải quyết liệt hơn nữa. Các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao cần có vốn góp từ ngân sách để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính. Đồng thời, hướng đến nguồn vốn tín dụng nước ngoài là giải pháp nhằm bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án PPP trong giai đoạn tới.

Điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong đầu tư theo PPP hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Việc xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới cần nghiên cứu quy định về công khai thông tin về đề xuất dự án PPP và các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư…

Ông Nguyễn Hoà Bình-chuyên viên kiểm toán KPMG cho biết, Chính phủ nên xác định rõ ràng việc thực hiện thành công chương trình PPP chính là lợi ích của Chính phủ, do đó cần nhìn nhận các dự án từ cả các khía cạnh thương mại. Tức là bao gồm việc xây dựng các báo cáo nghiên cứu khả thi theo các tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư và có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng, minh bạch với các đối tác tư nhân.

Để gỡ khó tín dụng Phó Thủ tướng giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá cụ thể nhu cầu vốn tín dụng cho các dự án PPP trong giai đoạn tới, đề xuất các giải pháp khả thi để thu xếp vốn. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông, dự thảo cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án PPP. Có như vậy nguồn vốn tín dụng cho PPP mới được khơi thông…

Theo Enternews

Nguồn ANTT: http://antt.vn/go-vuong-tin-dung-cho-ppp-208671.htm