[Góc nhìn môi giới] Cơ hội và rủi ro từ ETFs

(NDH) Bài viết sẽ cho nhà đầu tư một cái nhìn tổng quát về những lợi ích và rủi ro khi giao dịch ETF.

Thị trường Vietnam đang tiến lên một tầm cao mới khi quỹ ETF đầu tiên của Vietnam niêm yết trên sàn giao dịch HOSE vào ngày 6/10. Các nhà đầu tư nước ngoài rất lão luyện trong đầu tư vào ETFs do sản phẩm này đã có mặt từ lâu tại các thị trường phát triển, trong khi nhà đầu tư trong nước lần đầu được tiếp cận với loại sản phẩm này dù thường xuyên giao dịch đón đầu ETFs trong những kỳ cân đối danh mục của 2 quỹ ETFs của nước ngoài đang hoạt động tại Vietnam là Van Eck và FTSE. Vậy giao dịch ETF thực chất nhà đầu tư sẽ gặp phải những thuận lợi hay rủi ro gì?

Cơ hội từ ETFs

Sự đa dạng: ETFs được phân chia thành nhiều loại theo lớp tài sản để có thể lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư và danh mục đầu tư. ETF đầu tư vào cổ phiếu chiếm đến hơn 80% tổng số các loại ETFs đang có mặt trên thế giới, đó là: ETF đầu tư vào hàng hóa, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi, tiền tệ, đa tài sản hoặc ngược chiều với biến động của tài sản tham chiếu…

Thanh khoản: ETFs là loại tài sản có thanh khoản cao hơn cổ phiếu và các tài sản khác do đặc điểm giao dịch: (i) từ chính giao dịch ETF trên sàn thứ cấp và (ii) từ giao dịch tài sản cơ sở với chính nhà phát hành ETF. 2 đặc điểm này kết hợp lại giúp cho ETF thường xuyên tạo ra cơ hội đầu tư chênh lệch giá cho nhà đầu tư và đầu cơ.

Chi phí thấp – sẽ giúp tăng giá trị đầu tư: chi phí hoạt động của ETFs thấp hơn nhiều so với các quỹ đầu tư ( 0.51% vs. 0.79%, theo Morningstar Direct) sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí hơn so với đầu tư vào quỹ thông thường. Đặc điểm này đến từ hình thức quản lý thụ động của ETFs và giao dịch chủ động của các quỹ khác.

Tại Vietnam, VFMVN30 có mức phí rất thấp: (i) phí phát hành miễn phí, (ii) thành viên lập quỹ 0.1% và (iii) nhà đầu tư là 0.15% trên giao dịch của lô chứng chỉ quỹ.

Lợi về thuế: tại các thị trường phát triển, thuế đánh trên lợi nhuận từ đầu tư rất cao. Hoạt động creation/redemption giúp ETFs ít chi phí về thuế hơn các quỹ đầu tư. Khi các nhà đầu tư rút tiền tại các quỹ đầu tư, nhà quản lý quỹ phải bán tài sản của quỹ để chuyển thành tiền, việc bán này có thể phải đóng thuế lợi tức.

Do ETF giao dịch theo rổ tài sản, nhà quản lý quỹ không phải bán một loại cổ phiếu đơn lẻ nào vì vậy không tạo ra lợi tức từ đầu tư nên sẽ chịu ít hơn thuế lợi tức.

Giao dịch linh hoạt: ETFs được giao dịch suốt thời gian giao dịch như các loại cổ phiếu khác không như các quỹ khác chỉ được giao dịch một lần sau ngày giao dịch khi sau khi đã xác định được giá đóng cửa cổ phiếu. Nhờ tính chất này, nhà đầu tư có thể dễ dàng mua và bán hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ như lệnh stop loss (cắt lỗ), limit orders đối với ETF.

Tính minh bạch: danh mục của ETFs được công bố hằng ngày khác với tính chất “bí mật” của các quỹ khác khi chỉ công bố vào cuối quý. Nhờ đó, nhà đầu tư dễ dàng biết mình đang sở hữu loại tài sản gì vào bất cứ lúc nào.

Phù hợp với mục tiêu đầu tư: nhà đầu tư có thể tìm thấy rất nhiều loại ETFs phù hợp với từng chiến lược đầu tư hoặc tại các thị trường khác nhau.

Rủi ro từ ETFs

a) Rủi ro thị trường: rủi ro lớn nhất từ ETFs là rủi ro thị trường. Khi thị trường đi lên ( tuyệt vời!) và cũng có thể đi xuống!, ETF gắn chặt với rổ tài sản cơ sở đầu tư và sẽ biến động cùng chiều với thị trường.

b) Rủi ro từ sự đa dạng: trên thế giới hiện nay có đến 1.500 ETFs đang hoạt động và nhà đầu tư phải đối mặt với việc có quá nhiều chọn lựa trong cùng một lĩnh vực.

Ví dụ trong năm qua, ETF tốt nhất ngành công nghệ sinh học (biotech) và ETF tệ nhất ngành này có khoảng cách hơn 18%. Đó là vì ETF này nắm giữ những công ty có tiềm năng chữa bệnh ung thư trong khi ETF khác đặt cược vào những công ty trong ngành khoa học đời sống dẫn đến kết quả khác nhau mặc dù các công ty này đều cùng một lĩnh vực là công nghệ sinh học.

c) Rủi ro giao dịch: giá ETF giao dịch dựa trên cung cầu do vậy sẽ phụ thuộc vào chênh lệch mua bán ( bid-ask spread) tương tự như cổ phiếu. Do vậy, những ETFs có thanh khoản lớn, khoảng cách giá sẽ thấp (spread) ngược lại, những ETFs ít thanh khoản sẽ có spread cao, có thể từ 2- 4% do vậy sẽ làm giảm lợi nhuận khoản đầu tư hoặc làm tăng chi phí đầu tư khi tham gia một vị thế bán/mua ETFs.

d) Rủi ro từ chỉ số cơ sở: phần lớn ETFs đều mô phỏng theo một chỉ số nào đó và giao dịch gần với giá trị tài sản ròng. Nhưng đôi lúc, giá ETF không bám được chỉ số này. Ví dụ khi chiến tranh tại Arab xảy ra, sàn giao dịch Ai Cập đóng cửa trong một thời gian ngắn, Market Vector Egypt ETF (EGPT) vẫn giao dịch và nhà đầu tư đánh cược rằng khi thị trường Ai Cap mở cửa, mọi thứ sẽ được giải quyết tốt đẹp và khi đó họ đẩy giá ETF này lên cao (premium) . Nhưng khi thị trường mở cửa trở lại, thị trường lại lặng yên, và ETF này trở nên quá đắt.

e) Rủi ro tỷ giá đối với ETF nước ngoài: chứng chỉ ETF được giao dịch ở thị trường nước ngoài trong khi tài sản cơ sở ở thị trường trong nước. Nếu đồng nội tệ bị mất giá so với ngoại tệ, NAV của ETF sẽ giảm và nhà đầu tư phải gánh chịu mức lỗ này.

Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới ” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.

Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn

Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng môi giới KHCN 6 Hội Sở chính CTCP CK Sài Gòn

Nguồn NDH: http://ndh.vn/goc-nhin-moi-gioi-co-hoi-va-rui-ro-tu-etfs-20141006095040164p4c146.news