Góc nhìn về chiến tranh qua trang sách của nữ nhà báo đoạt giải Nobel

“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” –cuốn sách đoạt giải Giải Nobel Văn chương năm 2015 của nữ nhà báo Svetlana Alexievich - sẽ ra mắt độc giả Việt Nam vào tháng 7 này.

Giải Nobel Văn chương năm 2015 trao cho nhà báo Svetlana Alexievich. Cuốn sách “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là tác phẩm khởi đầu cho một chuỗi sách viết về chiến tranh giúp Svetlana Alexievich giành giải thưởng danh giá này.

Đoạt giải thưởng văn chương, nhưng "Chiến tranh không có một khuôn mặt của phụ nữ" là một tác phẩm phi hư cấu. Tác giả của nó trong thập niên 1970 đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn và các khu dân cư làng mạc, ghi chép và phỏng vấn, chuyện trò với hàng ngàn phụ nữ Liên Xô cũ.

Nữ nhà báo, nhà văn Svetlana Alexievich

Svetlana Alexievich kể lý do bà viết cuốn sách: “Hẳn không thể biết trên thế giới đã có bao nhiêu sách viết về chiến tranh. Gần đây tôi đã đọc ở đâu đó rằng trái đất đã biết đến 3.000 cuộc chiến tranh. Mà sách viết về chúng còn nhiều hơn… Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta biết về chiến tranh là do những người đàn ông kể cho chúng ta”. Bởi vậy, bà viết một cuốn sách về chiến tranh qua góc nhìn phụ nữ.

Chiến tranh trong ký ức của phụ nữ không phải là những chiến công, chiến thuật, là anh hùng… Nó được vẽ nên bởi những câu chuyện hết sức riêng tư của mỗi cá nhân.

Người phụ nữ tham gia chiến tranh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Họ bị cắt đi mái tóc dài. Họ không có đồ lót cho phụ nữ để dùng, họ thèm đi giày cao gót, thèm quàng một chiếc khăn màu đỏ, thèm được tắm rửa… Họ hy sinh sức khỏe, tuổi xuân, gia đình, tình cảm… và hy sinh cả nữ tính cho cuộc chiến.

Nam giới nhìn nhận chiến tranh bằng những sự kiện. Còn nữ giới, dường như họ nhìn chiến tranh qua cảm xúc. Những câu chuyện mà các nữ cựu binh kể lại đều là những xúc cảm, ấn tượng về những phút đã qua trong cuộc đời họ.

Với phụ nữ, không chỉ có con người phải chịu đau đớn bởi chiến tranh. Cùng với con người còn là đất đai, chim chóc, cây cỏ. Toàn bộ thiên nhiên chịu đau đớn mà chẳng nói được một lời…

“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” không chỉ kể chuyện những người phụ nữ đã hy sinh gian khổ như nào trong chiến tranh. Cuốn sách còn là lời tố cáo chiến tranh. Tất cả những câu chuyện của những người phụ nữ đều chưa đựng những đau khổ, vô nghĩa của chiến tranh.

Svetlana Alexievich (31.5.1948) là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết báo viết văn bằng tiếng Nga. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học vì văn của bà tạo nên “tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng dũng cảm trong thời đại của chúng ta”.

Sau Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich còn viết nhiều sách về đề tài chiến tranh: Những nhân chứng cuối cùng (1985) viết về cái nhìn của trẻ em và phụ nữ về chiến tranh thế giới thứ hai. Cuốn Quan tài kẽm (1989) viết về mặt trái chiến tranh Afghanistan. Cuốn Tiếng vọng từ Chernobyl (xuất bản 1997) phơi bày nỗi kinh hoàng của người làm công việc dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl (Ukraine)…

Ngoài Nobel Văn chương, Svetlana Alexievich nhận nhiều giải thưởng khác như: giải Leninsky Komsomol ở Nga, giải PEN Award, Giải Peace Prize of the German Book Trade, Giải Médicis essai (Pháp), giải National Book Critics Circle (Mỹ)…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/goc-nhin-ve-chien-tranh-qua-trang-sach-cua-nu-nha-bao-doat-giai-nobel-571162.bld