Gốm sứ Cường Huệ – Nơi tôn vinh tinh hoa gốm Việt

Nổi danh với những sản phẩm đồ gốm tinh xảo trong từng đường nét, Gốm sứ Cường Huệ còn được biết đến là nơi gìn giữ được những tinh hoa quý báu của nghề gốm truyền thống dân tộc. Tất cả các khâu: từ chọn đất, xử lý, pha chế, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm đều mang tính gia truyền thủ công, thể hiện cho tài năng và sự sáng tạo vô bờ của những nghệ nhân tâm huyết với nghề tổ.

Tìm đến cơ sở Gốm sứ Cường Huệ vào một ngày tháng 6 đầy nắng, chúng tôi may mắn được gặp chị Vũ Như Quỳnh, người kế nghiệp cơ sở. Được chị đưa đi dạo quanh cơ sở, chứng chiến những sản phẩm tuyệt vời mà chúng tôi thêm phần thán phục bàn tay tài hoa của người nghệ nhân làm gốm. Chưa bao giờ niềm tự hào dân tộc và tình yêu đất nước lại dâng trào trong chúng tôi mạnh mẽ như thế. Từ một nắm đất quê hương, với sự tài hoa, khéo léo và sự sáng tạo, những người nghệ nhân đã tạo nên cả một thế giới các sản phẩm đồ gốm đa dạng và sống động.

Chị Quỳnh kể rằng, cha mẹ chị là những người tâm huyết với nghề. Theo ông bà, dòng sản phẩm luôn gắn bó với người Việt mọi thời đại là đồ thờ tâm linh. Vì vậy, Gốm sứ Cường Huệ tập trung vào hai dòng sản phẩm trên. Ngoài việc đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, bằng lòng yêu nghề, cha mẹ chị còn tìm hướng đi mới cho những sản phẩm đồ gốm tâm linh: sử dụng họa tiết đắp nổi để trang trí cho sản phẩm – sản phẩm đặc biệt duy nhất chỉ có ở Bát Tràng. Bên cạnh đó, vẫn sử dụng bài men cổ truyền nên các sản phẩm đồ gốm tâm linh của xưởng sản xuất Cường Huệ vừa kế thừa được nét văn hóa cổ vừa mang hơi thở của thời hiện đại, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Với dòng sản phẩm này, chúng tôi thực sự khâm phục sự tài hoa và sự khéo léo của con người Bát Tràng, cụ thể là những người thợ lành nghề của cơ sở Gốm sứ Cường Huệ. Không biết lấy cảm hứng từ đâu, những con người ấy lại tạo ra những chiếc bình đắp nổi tinh tế, đẹp mắt và mê hoặc đến vậy. Ở đó chứa đựng cả hồn quê và cốt cách của người Việt. Các yếu tố: đường nét, màu sắc, hình khối, thơ – họa – điêu khắc… được kết hợp nhuần nhuẫn với nhau khiến người xem không khỏi trầm trồ, thán phục. Hẳn để làm ra được những sản phẩm tuyệt vời như vậy, những người thợ lành nghề ở Bát Tràng không coi đó là những chiếc bình, bát hoa đơn giản mà là cả tâm huyết, sự sáng tạo và tình yêu vào chúng. Như vậy, ở những sản phẩm bình đắp nổi nói riêng cũng như những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng nói chung, giá trị của sản phẩm nằm ở sự sáng tạo và tinh hoa truyền thống.

Những sản phẩm Gốm sứ Cường Huệ thường có giá cao hơn những mặt hàng của Nhật hay hào nhoáng của Trung Quốc. Vì giá cả phản ánh giá trị của sản phẩm. Bạn sẽ chẳng thể tìm kiếm đâu ra những sản phẩm gốm sứ đẹp mắt, có hồn, có kỹ thuật tinh xảo và sự tỉ mỉ như những sản phẩm ở đây.

Để tạo ra một sản phẩm gốm sứ Bát Tràng chất lượng, người thợ phải trải qua nhiều khâu quan trọng: chọn đất, xử lý, pha chế, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Tất cả các khâu ở cơ sở Gốm sứ Cường Huệ được làm thủ công 100%. Kinh nghiệm truyền đời của các nghệ nhân trong cơ sở là: “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò.” Kế đến là kỹ thuật tạo lớp men phủ. Theo chị Quỳnh, tùy vào từng loại sản phẩm mà các nghệ nhân có cách nung và tráng men khác nhau. Với những sản phẩm đại trà thì chỉ cần nung 1 lần, còn những sản phẩm cao cấp được nung 2 lần. Nung 1 lần sau đó vẽ màu tráng men và nung thêm 1 lần nữa.

Ngoài việc sản xuất ra những sản phẩm đồ gốm tinh tế, sắc sảo, Cơ sở Gốm sứ Cường Huệ và Gốm sứ Quỳnh Thảo còn nhận đào tạo nghề cho những người có nhu cầu. Cứ ai yêu mến, muốn gắn bó hết mình với nghề, có tính kiên trì và sự khéo léo đều được cơ sở đào tạo và tạo công ăn việc làm ổn định. Quá trình đào tạo từ cơ bản đến phức tạp, từ những chi tiết đơn giản đến phức tạp. Chị Quỳnh cho biết, ngoài đào tạo dạy nghề thủ công, định hướng nghề, chị còn trả thêm 100 nghìn/người/ngày để mọi người trang trải cuộc sống. Sau khi học xong, chị sẵn sàng nhận làm nhân công trong cơ sở với mức lương cao và ổn định.

Khi được hỏi về định hướng tương lai, chị Vũ Như Quỳnh hào hứng chia sẻ: “Càng ngày người Việt càng nâng niu và tôn trọng giá trị truyền thống, đặc biệt là các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Trong thời gian sắp tới chị dự định mở rộng cả về quy mô lẫn mặt hàng sản xuất. Một mặt, chị sẽ mở một cơ sở ra Hà Nội để phục vụ những người không có thời gian sang Bát Tràng. Mặt khác, chị sẽ đa dạng hóa các mẫu mã sản phẩm, sản xuất cả những đồ phổ thông và những đồ gia dụng. Mặc dù đã có rất nhiều cửa hàng, đại lý nhập hàng của chị nhưng chị vẫn muốn có một cửa hàng, xa hơn là một chuỗi cửa hàng mang thương hiệu của mình”.

Là người con của quê hương Bát Tràng, lại nuôi khát vọng phát triển nghề tổ, chị Vũ Như Quỳnh tin tưởng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng sẽ được đông đảo quý khách hàng tin yêu và sử dụng nhiều hơn nữa. Cùng với đó, cơ sở sản xuất gốm sứ Cường Huệ còn quan tâm tới hoạt động gìn giữ và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của làng nghề trước việc xuất hiện sự cạnh tranh quyết liệt, không lành mạnh của các sản phẩm làm giả thương hiệu của Gốm sứ Bát Tràng. Dẫu còn nhiều khó khăn, trăn trở, nhưng với tâm huyết của một người con nối nghiệp tổ, tin tưởng rằng chị Quỳnh sẽ thành công trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những tinh hoa truyền thống quý báu của dân tộc.

Thông tin liên hệ:

Cơ sở 1: Gốm sứ Cường Huệ

Cơ sở 2: Gốm sứ Quỳnh Thảo

Địa chỉ: Bát Tràng – Gia Lâm – Hà Nội

PV

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/gom-su-cuong-hue-noi-ton-vinh-tinh-hoa-gom-viet-114157