Góp phần giảm nhập siêu - Sản phẩm phải đạt chất lượng, có thương hiệu

Nhập siêu không phải là vấn đề mới ở Việt Nam (VN) vì hơn 20 năm qua nền kinh tế nước ta luôn trong tình trạng này. Trong 3 năm qua, nhập siêu mỗi năm đều trên 12 tỷ USD. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Võ Thanh Thu (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) về giải pháp hạn chế nhập siêu.

- PV: Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng nước ta vẫn nhập siêu, theo GS-TS tình trạng này xuất phát từ đâu? ° Năm 2009, hoạt động XNK của VN đã có những biến động lớn. Lần đầu tiên sau 18 năm tăng trưởng liên tục, kim ngạch XK của VN không đạt kế hoạch đề ra và sụt giảm so với năm 2008. Kim ngạch XK là 56,734 tỷ USD, giảm 9,5% và kim ngạch NK đạt 68,8 tỷ USD, giảm 14,7% so với năm 2008. ° Nước ta chủ yếu NK máy móc trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và XK. Nhập siêu dịch vụ cả năm khoảng 1,071 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2008. Đến nay, VN là nước nhập siêu lớn nhất trong các nước ASEAN và đứng thứ 41 trên thế giới về NK nhiều. - GS-TS VÕ THANH THU: Trước hết là điểm xuất phát của nền kinh tế nước ta khá thấp. Từ một nước thuộc địa đi lên, lại trải qua hàng chục năm vận hành theo cơ chế bao cấp, làm cho hàng hóa nội địa kém sức cạnh tranh so với hàng ngoại, dẫn tới hình thành và phổ biến văn hóa “sính ngoại”. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở VN chỉ sử dụng nguyên liệu ngoại nhập, không mua nguyên liệu nội địa. Do vậy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài càng đổ vào nhiều, số lượng và giá trị vật tư, máy móc, nguyên liệu… được NK vào VN càng lớn. Ngoài ra, hoạt động NK cũng tăng mạnh cùng tiến trình thực hiện các cam kết hội nhập của nước ta. Còn về chủ quan, VN nhập siêu do chưa xây dựng được các rào cản thương mại có hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ thị trường nội địa. Hơn nữa quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn nhỏ nên tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước còn thấp. Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ chưa hấp dẫn, làm cho hoạt động sản xuất và XK của VN vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Ngoài ra, VN nhập siêu cũng do chênh lệch lớn giữa hàng XK (chủ yếu là nông sản, tài nguyên thô nên giá trị thấp) và hàng NK (chủ yếu là máy móc, thiết bị có giá trị cao); thói quen tiêu dùng quá khả năng của một bộ phận người dân… - Vậy cần có những giải pháp nào trước mắt để giảm nhập siêu? - Các bộ ngành liên quan cần phối hợp với các chuyên gia quốc tế để xây dựng các rào cản thương mại phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm; quy định về xuất xứ hàng hóa NK, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường… Hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó có hiệu quả các vụ kiện quốc tế để duy trì XK, đồng thời khởi kiện đối với các hoạt động NK có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Tăng cường giám sát và sử dụng có hiệu quả các rào cản phi thuế quan đối với hàng NK. Đặc biệt, tăng tốc độ XK nhanh hơn tốc độ NK bằng cách nâng cao năng lực dự báo tình hình biến động kinh tế-xã hội ở tầm quốc gia để hỗ trợ chính phủ đưa ra các chính sách có tác động tốt đến XK; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động đối ngoại để phát triển thị trường; xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm XK; phổ biến và tuyên truyền rộng rãi các cơ hội đến với doanh nghiệp XK; nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường nội địa và thế giới, cổ súy có hiệu quả phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”… - Còn về dài hạn, VN cần thực hiện những giải pháp nào? - Đầu tiên là nên xúc tiến đầu tư có trọng điểm, kêu gọi và có cơ chế ưu đãi các tập đoàn nước ngoài vào VN xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các ngành XK chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử, nhựa… Tiếp theo, cần có chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho XK để giảm hao hụt, duy trì chất lượng hàng hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh XK các dịch vụ như du lịch, vận tải, tài chính… Nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm , tạo sản phẩm có chất lượng có thương hiệu. Đây là nhân tố quan trọng để giúp thay đổi văn hóa tiêu dùng từ “sính ngoại” sang sử dụng hàng nội với sự tín nhiệm và trân trọng cao. Trên trường quốc tế, hàng hóa Việt Nam phải chinh phục được người sử dụng mới giúp tốc độ XK tăng cao hơn nhập khẩu, dẫn tới giảm nhập siêu HOÀNG LIÊM thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinhte/2010/3/219726/