Góp phần quan trọng nâng cao năng lực y tế cơ sở

Đánh giá về hiệu quả thực hiện Dự án 'Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ', Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khẳng định: Dự án đã đạt được những kết quả tốt, vượt mục tiêu đề ra. Tuy thời gian thực hiện dự án đã kết thúc, nhưng các địa phương vẫn duy trì và mở rộng kết quả, người cận nghèo tiếp tục được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trang thiết bị do dự án đầu tư được các cơ sở y tế sử dụng hiệu quả. Đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo thông qua dự án góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng Bắc Trung Bộ.

Hưởng lợi từ dự án

Được triển khai từ năm 2010 đến 2016, Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và y tế dự phòng trong hệ thống y tế 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là tuyến huyện. Với mục tiêu trên, dự án tập trung hỗ trợ hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được đến các dịch vụ y tế chất lượng cao và các chính sách BHYT.

Theo nhận định của TS Hà Văn Thúy, Giám đốc Dự án "Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ", đây là một trong số dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe của người dân ở cơ sở. Điều đặc biệt có ý nghĩa, thông qua thực hiện dự án góp phần rất quan trọng nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, nhất là đối với địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bệnh viện Đa khoa Đakrông (Quảng Trị) được dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đào tạo chuyên môn phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: TTXVN

Nghệ An là một trong 6 tỉnh được thụ hưởng Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ” và cũng là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc thực hiện thí điểm mô hình “Cấp tài chính dựa trên kết quả thực hiện (RBF)” (tiểu phần 3 trong dự án) tại 54 đơn vị y tế thuộc 11 huyện trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định của ông Hoàng Văn Hảo, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, Giám đốc Ban dự án thì sau 6 năm thực hiện, mô hình RBF đã làm thay đổi cả về ý thức và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở. Vì vậy, chất lượng KCB và các chương trình y tế được nâng lên rõ rệt. Dự án không những góp phần quan trọng nâng cao trình độ, tay nghề đội ngũ cán bộ y tế mà các cơ sở y tế còn được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ở tỉnh Quảng Trị, dự án được triển khai tại 4 huyện (Vĩnh Linh, Gio Linh, Đakrông, Hải Lăng) với 4 hợp phần gồm: Hỗtrợ BHYT cho người cận nghèo, hỗ trợ tăng cường dịch vụ y tế tuyến huyện, nâng cao năng lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, quản lý dự án với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Sau 6 năm hoạt động, dự án đã hỗ trợ 177.086 lượt người cận nghèo tham gia BHYT (đạt 316% so với kế hoạch), nâng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT đạt 92,86%; hỗ trợ xây dựng 4 trung tâm y tế tuyến huyện; cấp trang thiết bị y tế hiện đại như: Hệ thống DSA, CT scanner 80 lát cắt, siêu âm 4D, máy chạy thận nhân tạo…; hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật với số lượng 890 cán bộ, y sĩ, bác sĩ.

Duy trì hiệu quả và tính bền vững của dự án

Ghi nhận kết quả mà ngành y tế 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã đạt được, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, đây là dự án thứ 3 trong số 4 dự án y tế khu vực mà WB thực hiện. Mục tiêu của dự án là nâng cao dịch vụ y tế dự phòng và KCB, cũng như tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của đa số người dân nghèo ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Dự án cấp thẻ BHYT cho những người cận nghèo để họ được tiếp cận với dịch vụ y tế, đồng thời đầu tư trang thiết bị y tế và đào tạo đội ngũ y tế. Bằng cách này, dự án đã thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế tại một trong những khu vực nghèo nhất của đất nước. Ông Ousmane Dione đã đưa ra những kết quả mà dự án đạt được, như: 91% những người cận nghèo tại Bắc Trung Bộ có BHYT, vượt mục tiêu ban đầu (40%); xây dựng 30 trung tâm y tế cấp huyện với trang thiết bị y tế cần thiết và đội ngũ nhân viên đã qua đào tạo; 30 bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh ở Quảng Trị được trang bị những thiết bị y tế cơ bản và hiện đại. Các bệnh viện huyện có khả năng thực hiện 30 dịch vụ KCB mới; cung cấp trang thiết bị dạy học và phòng thí nghiệm hiện đại cho 6 trường cao đẳng y và Trường Đại học Y Vinh; hơn 1.200 nhân viên y tế tham gia các khóa đào tạo ngắn và dài hạn, trở thành lực lượng quan trọng của ngành y tế vùng. Quan trọng hơn, mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế ở bệnh viện huyện tăng 35-80%.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho rằng: Dự án không chỉ thiết thực, hiệu quả mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Triển khai thực hiện dự án góp phần quan trọng nâng cao năng lực y tế cơ sở, giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở… Nhờ sự hỗ trợ của dự án, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện ở khu vực Bắc Trung Bộ được đầu tư, trang bị nhiều kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ một số lĩnh vực, nhất là phẫu thuật nội soi. Cùng với đó, trình độ tay nghề của đội ngũ thầy thuốc tuyến y tế cơ sở cũng được nâng cao. Kết quả đạt được của dự án là nền tảng để ngành y tế thực hiện các dự án tiếp theo bảo đảm hiệu quả.

THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/gop-phan-quan-trong-nang-cao-nang-luc-y-te-co-so-517296