Góp sức công phá đồi A1

Những ngày này, Điện Biên Phủ với chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' được rất nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở đây nhắc nhớ cho dù ai cũng đã quá tuổi 'xưa nay hiếm'. Cựu chiến binh Hoàng Văn Tuyên là một trong số đó.

Ngôi nhà cao tầng khang trang ở tổ dân phố số 4, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) có nhiều thế hệ cùng sinh sống, ông Tuyên trong bộ quân phục bộ đội với sự khỏe mạnh, minh mẫn tiếp chúng tôi. Ở tuổi 91 ông vẫn lưu loát trong từng câu nói và nhớ rõ tên tuổi các Anh hùng Điện Biên thuở nào. Ông cho biết, hằng ngày ông vẫn đạp xe đi thể dục, đi chợ, thỉnh thoảng ra hồ thả lưới đánh cá. Nhắc đến một thời là lính Điện Biên, ông kéo tôi đến sát bức tường, ở đó treo mấy tấm ảnh phóng to ông chụp cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Viết Thoảng (quê xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng - PV). “Chắc cô biết rõ anh hùng Lưu Viết Thoảng nhỉ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông ấy là người tiểu đội trưởng của tôi, chỉ huy đội đào đường, hầm để đưa gần 1 tấn thuốc nổ công phá đồi A1”.

Ông Hoàng Văn Tuyên (bên trái).

Nhắc đến Điện Biên Phủ, với giọng nói hào sảng, sôi nổi, đôi lúc trầm lắng, ông khiến người nghe mường tượng về một thời “khoét núi, ngủ hầm” gian khổ mà anh dũng. Ông kể: "Tôi quê ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), năm 1952 cấp trên về lấy quân, riêng đợt đó xã Đức Vinh của tôi có 24 thanh niên vào chiến dịch. Sau này “điểm danh” lại, những người vào bộ binh đều hy sinh, còn pháo binh và công binh như tôi nhiều người may mắn sống sót”.

Lật lại những trang lịch sử, cuộc chiến ở đồi A1 kéo dài đã gần một tháng, hai bên giành giật từng tấc đất, từng mét chiến hào. Địch dựa vào thế cao, có hầm ngầm kiên cố phản kích lại. Mục tiêu của ta là tiêu diệt được căn hầm cố thủ của quân Pháp trên đỉnh đồi, từ đó chiếm toàn bộ cứ điểm. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn phương án đào hầm ngầm vào sâu trong lòng đồi tới tận chân lô cốt địch để đánh bộc phá. Trung đoàn công binh 151 được giao nhiệm vụ này, ngay sau đó một phân đội đặc biệt được thành lập chỉ có 12 cán bộ, chiến sĩ, ông Tuyên có trong danh sách này.

"Đêm 20/4/1954, công việc đào đường hầm của chúng tôi bắt đầu, phải nói là vô cùng khó khăn, nguy hiểm, khát nước vô cùng - ông Tuyên nhíu mày nhớ lại - đất đá rất rắn, trong đường hầm chỉ bố trí được một người đào, còn những người bên ngoài nối tiếp nhau quạt không khí vào. Mỗi tổ chỉ đào được khoảng 30 phút đã phải thay ca. Mọi người phải làm trong tư thế ngồi nghiêng như móc hàm ếch. Vừa đào vừa phải ngụy trang để bảo đảm bí mật che mắt địch, vừa chống lựu đạn và mảnh pháo từ trên cao ném xuống. Càng vào sâu, công việc càng khó khăn, đường hầm bé như hang chuột, cao 1 m, rộng từ 80-85 cm, đào rộng sợ sẽ bị sập, chúng tôi dùng xẻng và thuổng cán ngắn đào trong tư thế luôn cúi gập người, rồi bò, rồi trườn.

Thiếu không khí, anh em nghĩ ra cách nằm tiếp nối nhau, dùng quạt nan quạt vào trong đường hầm có thêm dưỡng khí để thở và làm việc, cứ nửa tiếng đồng hồ lại thay ca. Đất đào được tý nào bỏ vào túi vải dù khoác vào vai rồi đem đổ ra ngoài, phải dùng đèn pin che bớt ánh sáng buộc lên đầu cọc ở cửa hầm để ngắm hướng, dùng ống thuốc tiêm để làm thước thăng bằng. Khi cách lô cốt chừng 3 m, mọi người đào hầm nghe thấy tiếng lục cục sát chân lô cốt nên yêu cầu dừng lại. Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ làm nhiệm vụ, đường hầm dài 49 mét đã hoàn thành vào ngày 4/5/1954. Đoạn cuối hầm nằm ngay dưới đồi A1”.

Du khách tham quan di tích đồi A1.

Đêm 5/5/1954, khối thuốc nổ bộc phá được đưa vào. Ông Tuyên kể rằng ban đầu chỉ có 500 kg, với khối lượng này sức công phá khó có thể đủ mạnh để đánh sập lô cốt địch. Đúng lúc bí thì thật may, có người của đơn vị pháo phòng không đến báo họ vừa bắn rơi một chiếc máy bay B24 gần đồi Độc Lập, máy bay vẫn còn 3 quả bom chưa nổ nên anh em đã khẩn trương tháo gỡ ngòi, đập ra lấy thuốc gánh về để ở đầu cửa hầm, trộn đều với thuốc bom tạo thành 960 kg bộc phá. Các chiến sĩ chia làm 49 gói nhỏ, mỗi gói có 1 kíp kích nổ; buộc vào tiếp thành 3 gói nhỡ, mỗi gói nhỡ lại cài hai đường dây kích nổ, sau đó gói lại thành gói to. Đào hầm đã khó, việc chuyển số thuốc nổ và bố trí vào trong đường hầm càng khó khăn vất vả hơn vì đường hầm hẹp, lại thiếu dưỡng khí và ngạt thở... Người ở ngoài chuyển thuốc cho ba người xếp, xếp đến đâu thì chèn gỗ tròn đường kính 0,1 mét xung quanh cho thật chặt.

Ghi nhận những cống hiến cho giải phóng Điện Biên, ông Hoàng Văn Tuyên đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ.

Tối 6/5/1954, mọi người được nghe đọc Thư của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ca ngợi lực lượng công binh trong chiến dịch. Sau đó chỉ huy hô vang: Ai xung phong đốt quả bộc phá gần nghìn cân đây? Lúc đó ông Nguyễn Bạch, Tiểu đội trưởng quê Vĩnh Phúc xung phong, cùng với một số đồng chí khác điểm hỏa khối bộc phá làm cho quân Pháp trong hầm cố thủ bị sức ép, choáng váng. Chớp thời cơ đó, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam xông lên giải phóng cứ điểm A1 vào rạng sáng ngày 7/5/1954. Giải phóng được cứ điểm A1, các chiến sĩ tấn công sang hầm, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp.

Theo thời gian, những chiến công của một thời oanh liệt được ghi vào lịch sử. Lòng đất Điện Biên hôm nay vẫn in dấu tích của những ngày tháng hào hùng ấy. Ông Tuyên tự hào bởi đã đóng góp một phần thanh xuân của mình cho chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Sau giải phóng Điện Biên, ông Tuyên về quê lấy vợ, hai lần được cử sang Trung Quốc học tập. Sau đó ông nhận công tác tại Nhà máy Phân đạm Hà Bắc rồi đón vợ và cả gia đình ra an cư lập nghiệp tại Bắc Giang. “Tôi sinh được 5 người con, các con cháu đều thành đạt. Hai vợ chồng tôi hiện được hơn chục triệu đồng tiền lương mỗi tháng, cuộc sống như vậy là quá hạnh phúc rồi”- ông Tuyên vui vẻ.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/gop-suc-cong-pha-doi-a1-110825.bbg