Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD

(GD&TĐ) - Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD đang là sự quan tâm của nhiều người, cả trong và ngoài ngành GD.

ông Lưu Đức Thuyên Ông Lưu Đức Thuyên, Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Tôi đã đọc kỹ nội dung dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục. Tôi đồng tình cao với những nội dung này. Những vấn đề mà cơ sở quan tâm như phổ cập giáo dục, chương trình giáo dục, đầu tư cho giáo dục, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, việc thành lập nhà trưỡng, kiểm định chất lượng giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung khá cụ thể. Việc đưa phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào Luật là điều rất hay, nó sẽ làm tăng thêm trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân về vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành giáo dục và đào tạo thực thi nhiệm vụ của mình một cách tốt hơn. Về chương trình, lần này dự thảo khẳng định chương trình giáo dục là "cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế"; và vì thế, chương trình phải đảm bảo "tính thực tiễn, hợp lý" - tôi nghĩ, đây sẽ là cơ sở pháp lý để ngành giáo dục sửa đổi, hoàn thiện chương trình giáo dục các cấp học. Vấn đề thành lập trường, theo Luật Giáo dục 2005, điều kiện thành lập trường cũng là điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục. Lần sửa đổi này, dự thảo đã tách ra thành hai nội dung và bổ sung rất rõ điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục. Và như vậy, tuy đủ điều kiện thành lập trường, nhưng trường phải hội đủ điều kiện hoạt động giáo dục mới được phép hoạt động - đây chính là điều rất cần để ngăn ngừa hiện tượng một số nhà trường hoạt động khi chưa đủ điều kiện, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường, các cơ sở giáo dục. Ông Cao Xuân Cầm, cán bộ hưu trí ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.. Khi còn công tác, tôi không phải là người làm giáo dục, nhưng lại rất quan tâm đến vấn đề giáo dục. Tôi thấy giáo dục còn nhiều chuyện bức xúc, những bức xúc này không thể giải quyết ở cơ sở mà phải được giải quyết ở tầm vĩ mô. Vì thế, khi đọc báo, nghe đài thấy nói tới chuyện sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, tôi đã tìm đọc toàn bộ nội dung của dự thảo. Lớp mẫu giáo Trường MN Trường Thi (Vinh) Tôi thấy dự thảo đã đề cập tương đối toàn diện, đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 26 vấn đề, trong đó nhiều vấn đề mà hiện nay người dân rất quan tâm. Nhà nước cứ nói phải quan tâm đến trẻ em, phải đầu tư cho trẻ em, nhưng thực ra mấy lâu chưa quan tâm được nhiều đến trẻ mầm non. Việc học của trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, gần như do cha mẹ các cháu lo là chính. Lần này dự thảo đưa vấn đề phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào Luật Giáo dục, tôi rất mừng là Nhà nước đã có cái nhìn mới về các cháu mầm non; hy vọng sau khi Luật được thông qua, Quốc hội, Chính phủ sẽ có những chính sách cụ thể tới vấn đề này. Một nội dung mà tôi thấy tâm đắc là vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục. Lâu nay, người thì nói chất lượng giáo dục tiến bộ, người lại cho chất lượng giáo dục sa sút, nhưng tôi nghĩ đều là cảm tính, bởi người nhận xét chả có một căn cứ thuyết phục nào. Lần này, nội dung, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục được quy định rõ. Theo dự thảo, có thể thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập. Tổ chức kiểm định chất lược giáo dục độc lập do Nhà nước thành lập, nhưng cũng có thể do các tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập. Như vậy, kết quả kiểm định của các tổ chức này sẽ là cơ sở quan trọng để làm cho xã hội nhìn nhận, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của từng trường, từng địa phương và toàn quốc. Nhưng quan trọng hơn cả, theo tôi, việc kiểm định chất lượng giáo dục sẽ làm cho nhà trường đánh giá đúng về chất lượng của đơn vị mình, giúp nhà trường tự mình tìm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Khi mà chất lượng từng trường tốt lên thì chất lượng giáo dục của từng địa phương, của cả nước ắt sẽ tiến bộ. Tôi nghĩ, kiểm định chất lượng giáo dục sẽ chính là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Minh Đức (thực hiện) TIN LIÊN QUAN Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Sửa đổi 19 vấn đề của Luật Giáo dục Những ý kiến xung quanh sửa đổi 10 vấn đề của Luật Giáo dục Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục - Đòi hỏi cấp bách

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/200910/Gop-y-vao-Du-thao-Luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-Luat-Giao-duc-1910394/