Góp ý Dự thảo Nghị định quy định Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em trong đó thu thập được một số ý kiến góp ý cho các quy định về vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có kế hoạch xây dựng Nghị định quy định Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Nhận thấy sự cần thiết của văn bản này trong quá trình triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong bối cảnh hiện tại, hướng tới giảm thiểu các hình thức bạo lực với trẻ trong gia đình, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em trong đó thu thập được một số ý kiến của các tổ chức xã hội trong việc góp ý cho các quy định về vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác này.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Về những quy định cụ thể, trong văn bản gửi Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị xem xét bổ sung các tổ chức xã hội đặc biệt là các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực trẻ em như Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tham gia trong quy chế phối hợp phòng ngừa bạo lực gia đình: cung cấp thông tin, truyền thông, tư vấn, phát triển mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; phát hiện sớm các vụ việc bạo lực gia đình và thực hiện các biên pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em cụ thể như sau:

Khoản 1 Điều 5, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các trường hợp bạo lực gia đình khi tiếp nhận xử lý.

Khoản 2 Điều 5, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp tổ chức, thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp với vùng miền, các nhóm đối tượng chú trọng đến trẻ em đặc biệt là trẻ khuyết tật, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Điểm b, Khoản 3, Điều 5 đề nghị nghiên cứu điều chỉnh như sau: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngoài việc lồng ghép nội dung giáo dục thay đổi hành vi trong các cơ sở giáo dục và cán bộ công tác trong ngành giáo dục bổ sung nhóm cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ BVTE và nhóm cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ các tổ chức làm về trẻ em cũng cần được lồng ghép trong các nội dung thay đổi hành vi này trong các chương trình.

Đề nghị bổ sung vào Điểm đ, Khoản 3, Điều 5, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện chuyển đổi hành vi về phòng chống bạo lực gia đình cho các cán bộ, Hội viên thuộc phạm vi quản lý.

Khoản 4, Điều 5 đề nghị bổ sung Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tham gia phối hợp trong tư vấn phòng chống bạo lực gia đình.

Điểm b, Khoản 6 Điều 5: Bổ sung Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong xây dựng, phát triển các mô hình về phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ quyền trẻ em từ gia đình, phương pháp thực hành kỷ luật tích cực trong làm cha mẹ hàng ngày. Hiện nay, Hội đang triển khai mô hình này với các hoạt động như đào tạo hướng dẫn viên để hướng dẫn cha mẹ thực hành phương pháp kỷ luật tích cực. Đây là phương pháp thay thế giáo dục con không bạo lực; đồng thời cũng là giải pháp hiệu quả hỗ trợ cha mẹ không sử dụng bạo lực trong dạy dỗ con từ đó xây dựng mối quan hệ yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu giữa cha mẹ và con, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt và phù hợp với Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình mà Bộ đã ban hành. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có 118 hướng dẫn viên cho phương pháp kỷ luật tích cực tại 6 tỉnh/TP. Tính đến nay đã tổ chức được 93 lớp hướng dẫn, tiếp cận gần 1.800 cha mẹ tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai, Lào Cai và TP Hồ Chí Minh về phương pháp này.

Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị cân nhắc bổ sung “Nội dung phối hợp” (Điều 3) của quy chế thêm hoạt động về tham vấn ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có liên quan tới trẻ em, kết nối, thu nhận các thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội về phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời quy định về Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là một trong những đơn vị phối hợp và thực hiện hoạt động này.

Về trách nhiệm thực hiện quy chế, đề nghị bổ sung trách nhiệm của các tổ chức xã hội đặc biệt là các tổ chức xã hội làm công tác trẻ em như Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong công tác phối hợp phòng ngừa bạo lực gia đình: Chủ động triển khai, thực hiện Quy chế theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung, mô hình cần phối hợp liên ngành; đề xuất các vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi trong quá trình triển khai, thực hiện Quy chế; Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham vấn ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản, tài liệu truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình có liên quan tới trẻ em. Kết nối, thu nhận các thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội về phòng chống bạo lực gia đình có liên quan đến trẻ em.

Phú Bình

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/gop-y-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-quy-che-phoi-hop-lien-nganh-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-d4448.html