Góp ý hai dự thảo luật người khuyết tật và nuôi con nuôi: Còn nhiều bất cập

PN - Chiều 23/3, Hội LHPN TP.HCM đã phối hợp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM tổ chức cuộc họp góp ý hai dự thảo Luật Người khuyết tật (NKT) và Nuôi con nuôi (NCN). Dự kiến, hai dự luật này sẽ được thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 7, QH khóa 12 tới.

Dự luật NKT gồm 9 chương, 47 điều, quy định khá đầy đủ những vấn đề liên quan đến đối tượng này. Đại biểu Đoàn Lê Hương (Chủ tịch Hội PN từ thiện TP, nguyên đại biểu QH khóa 10) nhận xét: “NKT sẽ rất phấn khởi nếu ban hành luật này. Nhưng, lâu nay luật cứ chung chung, phải chờ văn bản dưới luật mới thi hành được. Dự luật này cũng vậy, nhiều điều NKT muốn biết ngay nhưng vẫn sẽ phải chờ, chẳng hạn các vấn đề bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ, chế tài đối với các hành vi phân biệt đối xử với NKT...". Ông Trần Văn Bổ (cán bộ Trung tâm Bảo trợ-Dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT TP.HCM) băn khoăn: “Pháp lệnh Người tàn tật ra đời hơn mười năm qua, nhưng nhiều điểm vẫn chưa thực thi được. Không biết rồi đây luật này sẽ ra sao?”. Pháp lệnh bắt buộc doanh nghiệp phải tuyển NKT vào làm việc, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có công việc phù hợp với NKT và không phải NKT nào cũng có nhu cầu làm việc trong doanh nghiệp. Bà Trần Thị Liên (NKT, Hội LHPN Q.1) phân tích, trong việc phân “hạng khuyết tật”, dự luật nêu ba hạng (hạng 1 có mức độ suy giảm thể chất, trí tuệ, giác quan từ 81% trở lên, hạng hai suy giảm từ 61% đến dưới 81%, còn lại là hạng ba). Đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng là NKT hạng một và hạng hai, còn hạng ba thì không. “Chỉ cần chênh lệch 1% độ suy giảm sức khỏe thì người được hưởng chế độ, người không là không công bằng. Cần phân thêm nhiều hạng và mở rộng diện được trợ cấp” - bà Liên kiến nghị. Dự thảo Luật NCN gồm 5 chương, 52 điều. Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích tính “vừa thừa vừa thiếu” của dự thảo: Điều 10 quy định quá chi tiết các loại chi phí đối với người nhận con nuôi, nếu thực tế có phát sinh loại chi phí mới, QH sẽ phải sửa luật? Ông đề nghị, không nên đưa các loại phí này vào luật. Trong điều 5 (về “thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế”), có nêu cô, cậu, dì, chú, bác ruột thuộc hàng ưu tiên thứ nhất. Nếu cô tranh chấp với cậu, dì tranh chấp với bác về quyền nhận cháu ruột làm con nuôi thì sao? Do đó, cần nói rõ sự bình đẳng của người trong cùng một hàng ưu tiên. Về điều kiện đối với người nhận con nuôi, mục d, khoản 2, điều 12 nêu trường hợp không được nhận con nuôi: “Người chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc trẻ em làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Một số đại biểu đặt câu hỏi: vậy người chưa được xóa án tích về tội buôn bán ma túy, tội trộm cắp, cướp giật tài sản... vẫn được quyền nhận con nuôi? Tư cách đạo đức của những người này liệu có bảo đảm? Về độ tuổi nhận con nuôi, dự thảo quy định “nếu nhận trẻ dưới sáu tuổi làm con nuôi thì người nhận con nuôi phải không quá 60 tuổi”. Đa số đại biểu cho rằng, nên xem lại độ tuổi người nhận nuôi, để người con được nuôi dưỡng chu đáo, đến tuổi trưởng thành. Ngọc Hồ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/gop-y-hai-du-thao-luat-nguoi-khuyet-tat-va-nuoi-con-nuoi-con-nhieu-bat-cap.aspx