Grab, Uber ảnh hưởng lớn đến giao thông cần chấn chỉnh

Đối với taxi truyền thống, TP đang quản lý được. Thế nhưng với các loại hình xe hợp đồng điện tử như Grab hay Uber, hiện phát triển với số lượng rất lớn nhưng khó quản lý, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giao thông phải chấn chỉnh ngay.

Đó là nhìn nhận của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại buổi chủ trì cuộc họp với lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện bàn giải pháp chống kẹt xe.

Uber, Grap tăng trưởng quá lớn

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, thực trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn TP hiện nay có một nguyên nhân quan trọng là số lượng ô tô chở khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ (Grab, Uber...) tăng trưởng quá lớn và quá nóng. Số xe này đến nay đã vượt hơn gấp đôi số lượng taxi và phá vỡ quy hoạch trên địa bàn.

Số liệu thống kê của Sở GTVT TP cho thấy, tính đến ngày 15/11/2016, đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho 15.344 xe 9 chỗ trở xuống, nhiều hơn hẳn số taxi hiện có trên địa bàn. “Lượng xe này không chỉ phá vỡ quy hoạch taxi mà còn áp lực mạnh lên hạ tầng giao thông, đẩy TP HCM vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng”, một chuyên gia giao thông nhận định.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng: Không phủ nhận những tiện ích từ sử dụng công nghệ tiên tiến như Uber, Grab mang lại, tuy nhiên hoạt động này đang làm tăng lượng xe cá nhân lưu thông nội đô, gia tăng ùn tắc giao thông, trong khi đó TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn đang giải bài toán ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó còn bất cập khác như ở Hà Nội có một số tuyến đường xe buýt nhanh và một số đường cấm xe taxi nhưng Uber, Grab thì vẫn mặc sức “tung hoành” như tuyến đường từ Gia Lâm về Hà Nội qua cầu Chương Dương, cấm xe taxi từ 6 giờ - 9 giờ nhưng vì Uber, Grab không gắn phù hiệu nên vẫn lưu thông bình thường.

Ngoài ra, quan điểm của ông Liêm, đang có sự bất bình đẳng vì taxi truyền thống chịu sự ràng buộc chặt chẽ của cơ quan Nhà nước; còn Uber, Grab thì không, Nhà nước nên xem xét lại vấn đề này. “Thời gian gần đây khách đi Uber, Grap đã giảm vì hết khuyến mãi nên giá cước cũng ngang với taxi truyền thống và nếu đi trong giờ cao điểm giá cước có khi còn cao hơn” - ông Liêm cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng Giám đốc Cty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines cũng cho biết, nhiều tài xế bỏ Uber, Grab chuyển sang taxi truyền thống, vì hiện nay, chính sách trợ giá của các hãng này đã bị cắt giảm gần hết, các tài xế lại bị áp doanh thu, nếu đảm bảo doanh thu thì tài xế phải chạy từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối và như thế thì không đảm bảo sức khỏe.

Uber, Grab phá vỡ quy hoạch taxi

Trong giờ cao điểm, phải ra Sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), PV Báo Thanh tra đã chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông trên đường Cộng Hòa, Trường Sơn. Bác tài (taxi truyền thống) giãi bày: “Chị thấy đó, 3 làn xe trên đường đều kẹt cứng. Xe ô tô nối đuôi nhau, chạy nhanh thế nào được? Nhiều người cứ đổ cho taxi gây ùn, tắc, nhưng taxi hoạt động ăn thua gì. Uber, Grab mới nhiều, cứ vào đến sân bay sẽ thấy rõ thôi. Taxi đâu có nhiều bằng xe không phù hiệu” - bác tài bức xúc cho biết thêm: Trong số xe không phù hiệu thì có ai xác định được bao nhiêu xe Uber, Grab lẫn trong đó? Chúng tôi phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước thì Grab, Uber được tự do đi từ nơi này đến nơi khác mà không phải dán logo, nhãn hiệu, không có bảng giá, không phải lắp thiết bị cho xe, đồng phục...

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Đỗ Văn Thắng - Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho biết, số lượng taxi truyền thống vào sân bay đều phải đăng ký và cũng không nhiều. Tuy nhiên, dạo một vòng tại sảnh Tân Sơn Nhất sẽ thấy số lượng xe không có phù hiệu dày đặc. “Xe taxi truyền thống đón, trả khách và đi ngay, nhưng xe cá nhân và xe không phù hiệu đứng đầy ở sảnh chờ đón”, ông Thắng nói.

Theo ông Văn Công Điểm - thạc sĩ quản lý đô thị , Uber và Grab đã phá vỡ công tác quản lý, chuyển quản lý tập trung, bài bản được hình thành trong chục năm qua sang quản lý nhỏ lẻ, manh mún, đi ngược lại với xu thế và chủ trương chung. Taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đã được Chính phủ quy định rất chặt chẽ, nhưng Uber và Grab không tuân thủ các quy định này, họ chỉ làm dịch vụ công nghệ, không quản lý xe Taxi, họ thuê xe và người lái để thực hiện vận chuyển. Các xe chạy cho Uber và Grab là xe cá nhân, tự mỗi cá nhân tổ chức quản lý và hợp thức hóa bằng cách gia nhập vào các hợp tác xã. “Đó là chưa kể đến, ngân sách Nhà nước thất thoát do việc đóng thuế không đúng và đủ của loại hình kinh doanh này. Vì vậy, ngành Giao thông vận tải cần khẳng định Uber và Grab là loại hình kinh doanh bằng xe taxi chứ không phải là xe hợp đồng, buộc Uber và Grab tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, không nên thay đổi các tiêu chuẩn ngành để chạy theo hợp thức hóa loại hình kinh doanh lợi bất cập hại này” - ông Điểm nói.

Những phản ánh trên không phải không có lý bởi từ năm 2010, TP Hồ Chí Minh đã siết chặt số lượng xe taxi truyền thống, ổn định với 11.060 xe, trong khi đó số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ lại tăng vượt hơn rất nhiều - 15.344 xe. Như vậy, Uber và Grab đã phá vỡ quy hoạch vận tải taxi ở TP Hồ Chí Minh!

Nghiêm Lan

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/an-toan-giao-thong/grab-uber-anh-huong-lon-den-giao-thong-can-chan-chinh_t114c1146n114412