GrabBike tăng giá thất thường, có lúc đắt hơn taxi

Việc GrabBike âm thầm tăng giá làm cho nhiều khách hàng bức xúc. Có thời điểm, giá GrabBike còn cao hơn dịch vụ GrabCar, GrabShare và taxi thông thường.

Sau khi Grab tuyên bố nâng mức chiết khấu với tài xế từ 15 lên 20%, nhiều khách hàng phát hiện giá dịch vụ GrabBike cũng đang âm thầm tăng.

Âm thầm tăng giá

Chị Thúy Quỳnh, một nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết chị thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabBike. Theo chị Quỳnh, những ngày gần đây, GrabBike đang tăng giá nhẹ, thậm chí tăng cao vào những giờ cao điểm.

Chị Quỳnh lấy ví dụ quãng đường từ nhà đến cơ quan 1,7km thường có giá khoảng 11.000 đồng. Thời gian gần đây, chị Quỳnh phát hiện cùng quãng đường đó, GrabBike đã tăng lên mức 13.000-15.000 đồng.

Với giờ cao điểm, giá dịch vụ GrabBike có lúc tăng gấp đôi. Ứng dụng thông báo mức giá khoảng 20.000-24.000 đồng.

Bất ngờ hơn, có thời điểm chị phát hiện giá dịch vụ GrabBike còn vượt các ứng dụng tương tự cũng như giá taxi truyền thống. Trong khi GrabBike báo giá 23.000 đồng thì dịch vụ GrabCar chỉ 22.000 đồng và dịch vụ GrabShare chỉ 18.000 đồng.

Giá dịch vụ GrabBike vượt GrabCar, GrabShare. Ảnh chụp màn hình.

Giá dịch vụ GrabBike vượt GrabCar, GrabShare. Ảnh chụp màn hình.

Tương tự như chị Quỳnh, chị Bùi Phương, trú tại quận Thanh Xuân, cho biết quãng đường từ nhà đến cơ quan khoảng 3 km. Chị thường dùng GrabBike với giá chỉ 20.000-22.000 đồng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, chi phí cho quãng đường đó đã lên mức 24.000-25.000 đồng.

“Trước GrabBike tương đối rẻ, nên dù tăng 10-20% thì với quãng đường đi ngắn, tôi cũng chỉ phải trả thêm vài nghìn đồng, có thể chấp nhận được", chị Phương nói.

Vì mức tăng về số tiền thực tế không quá nhiều, chỉ những khách hàng thường xuyên đặt xe trên cùng quãng đường mới nhận ra việc Grab âm thầm tăng giá cho dịch vụ xe ôm công nghệ.

Tuy nhiên, chị Phương bức xúc vì bất kể trời mưa, trời nắng, hay giờ cao điểm, GrabBike cũng tăng giá, thậm chí gấp đôi, ngang với giá GrabCar và cao hơn GrabShare.

"Nếu Grab cứ âm thầm tăng giá thế này tôi sẽ không sử dụng dịch vụ này nữa vì không còn rẻ. Đó là chưa kể GrabBike chỉ dùng được cho một người, trong khi taxi và các dịch vụ khác tôi có thể chia sẻ với người khác”, chị Phương nói.

Tính tiền quãng đường không rõ ràng

Nhiều khách hàng của GrabBike chia sẻ về cách tính tiền quãng đường đang không rõ ràng. Khách hàng chỉ cần định vị sai lệch vị trí vài chục mét là giá tiền đã thay đổi không nhỏ.

Anh Nam, sống tại Thanh Xuân, thường xuyên dùng GrabBike để di chuyển ra bến xe khách Mỹ Đình để về quê và ngược lại. Anh Nam cho biết việc định vị tại khu vực bến xe Mỹ Đình về nhà anh có sự chênh lệch lớn.

Nếu anh Nam đứng ở cổng bến (trên đường Phạm Hùng), ứng dụng báo giá khoảng 44.000-45.000 đồng cho quãng đường về đến chung cư tại quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, nếu bắt GrabBike ở cổng sau trên phố Nguyễn Hoàng, số tiền ứng dụng báo là 58.000-60.000 đồng. Trong khi đó, quãng đường từ cổng chính ra đến cổng sau chỉ khoảng 300 m.

Hai con phố cạnh nhau nhưng giá tiền chênh lệch rất lớn. Ảnh chụp màn hình.

Cũng trong tình trạng tương tự, anh Lực sống tại khu vực ngã tư Trần Thái Tông - Cầu Giấy, phát hiện chênh lệch trong việc tính giá GrabBike ở 2 con phố liền kề nhau. Theo đó, nếu anh Lực bắt GrabBike từ địa chỉ 132 Cầu Giấy đến trường mình học là Đại học Kinh doanh và Công nghệ chỉ hết 51.000 đồng.

Tuy nhiên, nếu bắt GrabBike tại số 84 Trần Thái Tông đến Đại học Kinh doanh & Công nghệ thì mức phí là 95.000 đồng. Điều đáng nói, 2 địa điểm xuất phát chỉ cách nhau 1,6 km, số tiền chênh lệch lên tới 44.000 đồng.

Theo anh Lực, nhiều khu vực tại Hà Nội cũng xảy ra tình trạng ứng dụng tính tiền “rất khó hiểu”.

“Một số quãng đường dài khoảng 10 km, khách hàng phải trả trên dưới 100.000 đồng. Tính ra trung bình khoảng 10.000 đồng/km. Giá GrabBike như vậy cao gần bằng so với taxi truyền thống”, anh Lực tâm sự.

Grab tăng mức chiết khấu của tài xế GrabBike Trong hai ngày 12-13/8, Grab đã tổ chức các buổi gặp gỡ các đối tác GrabBike tại TP. Hà Nội. Một nội dung được chú ý là mức chiết khấu cho hãng được nâng lên mức 20% từ ngày 5/9.

Nhiều người dùng nghi ngờ, việc thay đổi cách tính giá là cách để Grab chuẩn bị cho việc điều chỉnh chiết khấu, và chính sách thưởng với tài xế tại địa bàn Hà Nội. Cụ thể, mức chiết khấu tăng từ 15% lên 20% từ ngày 5/9 tới. Các hỗ trợ tài chính cho khung giờ cao điểm cũng như mức thưởng cũng bị cắt giảm. Những thay đổi này giúp Grab thu lợi nhiều hơn, trong khi thu nhập của lái xe sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều nhờ cách tính mới.

Câu hỏi về việc âm thầm tăng giá GrabBike, phần mềm tính giá hoạt động thất thường chưa nhận được phần trả lời của Grab.

Tăng mức chiết khấu GrabBike để ngang bằng với đối tác TP.HCM

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Grab, cho biết mục đích tăng chiết khấu với GrabBike của hãng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo bà An, mức chiết khấu 20% với tài xế GrabBike đã được áp dụng tại TP.HCM với các đối tác đăng ký mới từ ngày 7/5. Mức chiết khấu 20% sẽ áp dụng cho toàn bộ các đối tác còn lại tại TP.HCM và Hà Nội từ ngày 5/9.

Theo đại diện Grab, việc thay đổi mức chiết khấu nhằm đảm bảo thống nhất, ngang bằng với mọi đối tác tài xế GrabBike tại cả 2 thành phố. Đồng thời nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ GrabBike.

“Mức phí này cũng đã được cân nhắc để vẫn đảm bảo tính cạnh tranh so với các dịch vụ tương tự đang có mặt trên thị trường”, bà An cho biết.

Grab thay đổi chính sách hỗ trợ tài xế vào giờ cao điểm bằng mức thưởng 5% trên tổng doanh thu. Ảnh chụp màn hình.

Theo đại diện Grab, hãng này đang có chương trình thưởng 5% trên doanh thu dành cho top 20% đối tác xuất sắc. Sắp tới, Grab sẽ triển khai thêm chương trình thưởng giờ cao điểm. Tuy nhiên, chi tiết của chính sách thưởng giờ cao điểm không được công bố rộng rãi.

Hiếu Công
Đồ họa: Hiền Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/grabbike-tang-gia-that-thuong-co-luc-dat-hon-taxi-post771473.html