GS Nguyễn Chí Bền: Lễ hội bây giờ tàn bạo rồi chứ không chỉ tơi tả

Hội Gióng ở đền Sóc không có nghi thức cướp lễ vật mà chỉ có nghi thức phát lễ vật cho dân làng hoặc du khách. Trong tất cả các lễ hội của người Việt không có nghi thức cướp lễ vật. Lộc mà tranh nhau, đánh nhau vỡ đầu thì không thiêng nữa.

P V Infonet đã có cuộc trao đổi với GS. TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia về tình trạng cướp lộc, đánh nhau tranh lễ vật đang gây dư luận ở nhiều lễ hội hiện nay.

GS Nguyễn Chí Bền

- Từng là Trưởng ban xây dựng Hồ sơ quốc gia "Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc" trình UNESCO xem xét, công nhận, ông đánh giá như thế nào về đánh giá của lãnh đạo huyện Sóc Sơn khi cho rằng “cướp lộc ở đền Sóc là thói quen, là phong tục”?

GS Nguyễn Chí Bền: Câu chuyện cướp lộc lâu nay năm nào cũng xuất hiện có khác chăng là năm đậm năm nhạt. Tuy nhiên, nếu đại diện Sóc Sơn cho rằng việc cướp lộc tại đây tại đây là thói quen, phong tục dân… thì không hợp lý. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, Hội Gióng ở đền Sóc không có nghi thức cướp lễ vật mà chỉ có nghi thức phát lễ vật cho dân làng hoặc du khách. Trong tất cả các lễ hội của người Việt không có nghi thức cướp lễ vật.

Chúng ta cần phân biệt việc tranh cướp lộc tại đền Sóc khác với việc "tranh cướp" tại một số lễ hội khác ví dụ lễ hội Phết (Phú Thọ) tranh nhau một quả cầu hay lễ hội chen của làng Nga Hoàng (Quế Võ, Bắc Ninh). Ở đây, nhiều người muốn có lộc do lễ vật của người dân mang vào dâng Thánh. Người thì đông, lễ vật ít nên xảy ra tranh cướp.

- Người dân cho rằng, đi lễ phải mang được lộc về mới tốt do đó bằng mọi cách họ phải cướp bằng được, theo ông cái lộc cướp được ấy có mang lại điều tốt như mọi người mong đợi?

GS Nguyễn Chí Bền: Nói theo ngôn ngữ tín ngưỡng thì sau khi người dân mang lễ vật vào dâng, Thánh đã nhận lễ - chứng dám cái lễ vật ấy nhưng khi mang ra lại tranh cướp nhau như thế thì nó đâu còn thiêng. Nói hơi hài hước là "năng lượng thiêng" ẩn vào trong hoa tre, miếng trầu cau ấy sau khi tranh giành đã biến mất. Tức là lại trở về với hiện vật đời thường- tính chất thiêng của lễ vật đã mất, không còn nữa.

Lộc có được do tranh nhau, đánh nhau vỡ đầu, rách quần, rách áo thì lấy đâu còn thiêng nữa. Cho nên các cụ ngày xưa thực hiện nghi lễ phát lộc rất cẩn trọng nhằm đảm bảo "năng lượng thiêng" ấy không bị mất, không bị biến đối.

- Việc tranh cướp lộc này để lại hệ lụy gì không, thưa ông?

GS Nguyễn Chí Bền: Thứ nhất, nólà hành vi rất xấu, cướp lộc làm cho người ta hiểu lệch lạc văn hóa Việt Nam "toàn tranh cướp". Tôi xem lại clip mà các đồng nghiệp chuyển cho xem thì thì thấy đó là tranh cướp tàn bạo rồi chứ không phải là tranh cướp đơn thuần.

Như thế người nước ngoài, nhất là những vị ở UNESCO thấy clip đó trên mạng người ta xem, người ta hiểu hội Gióng là tranh cướp tàn bạo thế thì chẳng còn gì là di sản của nhân loại.

Thứ hai, việc huy động quá đông lực lượng bảo vệ làm mất đi cái đẹp của lễ hội. Lễ hội gì mà công an, dân phòng, bộ đội đứng vòng trong vòng ngoài xong rồi dùi cui giơ lên… mất hết không khí của lễ hội.

Tôi đồng ý với một số nhà nghiên cứu cho rằng lễ hội phải ồn ào, tả tơi nhưng tả tơi của người xưa không như bây giờ. Bây giờ thì nó là tàn bạo rồi chứ không là tả tơi nữa khi mà dùi cui của lực lượng công an, bảo vệ, dân phòng thì dơ lên, người xô vào, tay kia bốc, tay này nhặt…

- Vậy thưa ông đâu là bản chất của một lễ hội và lễ vật dâng lễ được sử dụng như thế nào mới chính xác?

GS Nguyễn Chí Bền: Lễhội bao gồm phần lễ và hội. Với phần lễ - người ta làm những lễ vật dâng lên Thánh xong rồi chia cho từng người, từng làng. Ví dụ người dân Tây Nguyên, khi người ta làm lễ đâm trâu chẳng hạn. Sau đó lễ vật được chia ra tất cả các mâm và mỗi người đều hưởng thụ một cách rất khoan thai, tôi không hề thấy có tranh cướp. Thậm chí đến phần thịt còn thừa, ăn không hết người ta cũng chia rất bình đẳng và công bằng, không bao giờ tranh cướp nhau cả.

- Như ông từng nói nếu các lễ hội “quá tải” du khách mà Ban Quản lý không thay đổi cách thức tổ chức thì những bất cập vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, năm sau có thể trầm trọng hơn năm trước, vậy cần phải làm gì để giải quyết tình trạng này?

GS Nguyễn Chí Bền: Theo tôi, cần phải xem xét cả hai đối tượng: Chủ thể (những người dân của làng ấy, Ban quản lý di tích) và khách thể (người tham gia, người đến xem, chứng kiến). Theo đó, khách thể của lễ hội phải tôn trọng của người dân, tôn trọng chủ thể người ta tiến hành nghi thức như thế nào, ra làm sao.

Đối với Ban Quản lý di tích (chủ thể) cần phải đổi mới cách tổ chức lễ hội. Vì không gian của lễ hội thì không thay đổi, bao đời nay, hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm thì không gian chỉ có bấy nhiêu thôi, chỉ chừng ấy mét vuông đất thôi. Thế nhưng lực lượng khách thể thì ngày càng đông, việc người ta đến các di tích ấy để lễ, mong có chút lộc Thánh mang về đó là chuyện bình thường. Người thì đông, mâm lễ vật thì ít do đó, nếu không đổi mới thì việc tranh cướp nhau là tất yếu.

Nên tạo cho người Việt một thói quen xếp hàng để nhận lộc, khu vực phát lộc có thể cách xa nơi thờ cúng và làm đường tránh.. Bản thân Hội Gióng ở đền Sóc dứt khoát phải đổi mới phương thức, cách thức để làm sao cho người dân đến đều nhận được lộc của Thánh Gióng.

Tôi nghĩ, ban đầu chắc chắn sẽ bị phản ứng nhưng mà bản thân chúng ta đi ra nước ngoài, sân bay người ta bắt đi vòng vòng thì chẳng nhẽ không đi nữa? Tôi đã từng đến các đền thờ của Hoàng Đế Nhật thời xưa thì người ta có cho mình vào thắp hương tận nơi đâu? Mà họ bắt mình đứng ngoài cách 100m vái vọng, vẫn phải chịu. Vấn đề là phải giải thích cho người dân (khách thể) hiểu giá trị lễ vật, giá trị của việc đến viếng ở đây như thế nào.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

N.Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/gs-nguyen-chi-ben-tat-ca-le-hoi-cua-nguoi-viet-khong-co-cuop-le-vat-post220388.info