GS Nguyễn Lân Dũng: Bài văn gây sốc về đồng tiền là tiếng chuông cảnh tỉnh...

(Phunutoday) Bài văn về đồng tiền của em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh trường PTTH Hà Nội - Amsterdam đã gây xúc động cho hàng nghìn độc giả, trong đó có cả những người làm thầy, làm cô và cả những người cùng trang lứa với em Hiếu.

TIN LIÊN QUAN
TS Nguyễn Văn Huy: Bài văn gây sốc về đồng tiền là một phép thử xã hội... Bài văn gây “sốc“ về đồng tiền: Tiếng thét của dạ dày to hơn tiếng nói của lương tâm Ông Dương Trung Quốc: Bài văn gây sốc về đồng tiền là một bài học về giáo dục… Bài văn gây sốc về đồng tiền: Lạc đề nhưng mà rất hay, rất xúc động... Bài văn gây sốc về đồng tiền: Lâu lắm rồi mới được khóc... Bài văn gây sốc đã đánh thức tình người... Bài văn gây sốc trả lời về vai trò của đồng tiền

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng (Đại học Quốc gia HN) về ấn tượng cũng như suy nghĩ của ông về bài văn của em Hiếu.

PV:- Bài văn với tựa đề "Vai trò của đồng tiền" của một học sinh lớp 11 trường Ams đã gây xúc động nhiều người, cá nhân ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?

GS Nguyễn Lân Dũng: - Bài văn rất hay, tôi thấy bài văn như một tiếng chuông báo hiệu cần đổi mới việc dạy và học tiếng Việt. Theo tôi, dạy và học tiếng Việt đối với bậc phổ thông không phải là dạy văn học sử, giới thiệu các tác giả tiêu biểu trong lịch sử văn học... Tôi là người ngoại đạo văn chương, nhưng tôi là một người có điều kiện chứng kiến nhiều hậu quả của việc học văn đối với lớp trẻ hiện nay. Tôi là người của công chúng nên tôi thường xuyên nhận được những lá thư của các em thanh thiếu niên đang học hoặc đã học qua bâc học phổ thông. Rất đáng tiếc, số đông viết câu chẳng ra câu, chính tả thì sai đến mức không chịu nổi. Bài văn của em Hiếu là tiếng chuông báo động nội dung chương trình giảng dạy cũng như nội dung thi về môn Ngữ văn ở bậc phổ thông.

PV:- Là một thầy giáo đã trong nghề trên nửa thế kỷ, ông nhận thấy những bất cập trong việc dạy văn ở nước ta hiện nay như thế nào?

GS Nguyễn Lân Dũng: Trước hết, tôi quan niệm ở bậc phổ thông cần dạy học sinh viết cho đúng chính tả và ngữ pháp tiếng Việt, hơn nữa cần bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu thích văn chương. Muốn như vậy phải học một số tác phẩm từ nguyên bản chứ không phải nhồi nhét thật nhiều các trích đoạn hoặc biến môn Ngữ văn thành lĩnh vực bồi dưỡng đơn thuần về lập trường, tư tưởng. Tôi sang Mỹ thấy một em học sinh học lớp 10 cầm cuốn tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" dày cộp. Tôi hỏi sao phải đọc cuồn này? Câu trả lời là: Thầy giáo bảo cháu phải tóm tắt và bình luận cuốn ấy (!).

Tôi thấy ở Việt Nam các em phải học trích đoạn văn chương của rất nhiều tác giả thuộc nhiều thế hệ. Mỗi tác giả một đoạn ngắn ngủi kèm theo thân thế, sự nghiệp của tác giả này. Vì vậy dẫn đến kết quả là các em nhớ lung tung nên dẫn đến những sai lầm nực cười qua các kỳ thi. Những bài như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, đúng là rất có giá trị nhưng là văn cổ rất khó hiểu, khó nhớ. Hay những bài thơ của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, đúng là có giá trị thật, nhưng ở thời điểm này lại khó thấy là hay. Vậy bắt học sinh học làm gì? Cái đó thuộc về nhiệm vụ dành cho các sinh viên chuyên khoa Ngữ văn hay Báo chí ở hệ Đại học.Ngoài ra, tôi thấy học sinh học văn nhưng buộc nhớ năm sinh, năm mất, rồi thân thế của từng tác giả. Điều đó có tác dụng bao nhiêu đến năng lực cảm thụ văn chương?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (ảnh Hương Thu VNE)

PV:- Có lẽ với cách giảng dạy như thế nên khi đặt vấn đề cụ thể lên bàn xem xét như truyện Tấm Cám chẳng hạn, tất cả đều rối tinh lên, ko ai đưa ra được ý kiến xác đáng...Ý của ông là chúng ta nên bỏ cách học theo các bài văn mẫu?

GS Nguyễn Lân Dũng: - Về mục tiêu dạy văn, theo tôi phải đặt rõ ràng là dạy cho thế hệ trẻ yêu tiếng Việt, viết đúng và viết hay bằng tiếng Việt, cùng với lòng say mê, thích thú đối với văn học. Với học sinh, ai cũng biết là thi gì sẽ học nấy. Nếu thi theo kiểu trước đây thì phải học các bài văn mẫu. Văn học mà viết theo mẫu thì còn gì là sáng tạo nữa?Tôi đã từng nghe lỏm từ một lớp học phụ đạo Văn ở gần nhà tôi. Thầy giáo dặn các em chỉ cần nhớ 4 chữ "yêu, căm, chiến, lạc" (yêu nước, căm thù, chiến đấu, lạc quan) là thể nào cũng viết được hay với các bài văn bình luận ở các kỳ thi (!). Học kiểu này thì làm sao có thể đào tạo ra được những thế hệ trẻ biết yêu tiếng Việt và yêu Văn học?.

Đổi mới cách dạy phổ thông và đổi cách làm bài tập theo tôi là nên cho học sinh làm đề thi mang tính chất “mở”, để học sinh có thể ham muốn tư duy, ham thích đọc sách và rèn luyện khả năng biện luận. Đấy là lối học chủ động, chứ không phải là thụ động.

PV:- Đối với việc dạy và học là như vậy, còn đối với việc ra đề thi thì sao, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Lân Dũng: - Muốn đổi mới việc ra đề thi thì phải đổi mới cả chương trình. Tôi nghĩ mình không thể dạy văn học Việt Nam theo sách giáo khoa nước ngoài nhưng có thể học theo tinh thần của các chương trình dạy Ngữ văn trên thế giới. Xem người ta dạy kiểu gì chứ không phải dạy nội dung cụ thể gì.

Ở nước ngoài phần lớn sách giáo khoa không phải là của Nhà nước mà là của từng nhóm tác giả, từng Nhà xuất bản. Một môn học có thể có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Tuy nhiên cần có một chương trình hoàn thiện, thích hợp sử dụng trong nhiều năm và đưa lại hiệu quả tốt. Sách nào viết không đúng theo chương trình đó thì không được in và có in cũng chẳng ai mua.

Tôi thấy khi thông qua Luật Giáo dục nhiều vị đại biểu quốc hội đã phản đối in nhiều bộ sách giáo khoa vì chỉ đơn giản cho rằng “ một bộ còn chẳng ra gì nữa là nhiều bộ?”. Thật ra nếu có nhiều bộ sẽ tốt hơn nhiều vì có sự cạnh tranh lành mạnh để có được những bộ sách tốt nhất và sẽ được mua nhiều nhất. Quyền lựa chọn bộ sách giáo khoa nào là quyền của từng thầy, từng trò. Ở Nhật Bản trong sách giáo khoa có cả những tranh biếm họa. Việc này không ảnh hưởng gì đến nội dung chương trình, nhưng lại làm cho học sinh thêm hứng thú và nhớ lâu.

PV:- Bài văn là tiếng chuông báo động nội dung chương trình giảng dạy cũng như nội dung thi, ông còn ấn tượng với bài văn này ở điểm nào nữa?

GS Nguyễn Lân Dũng: - Tôi thấy thế hệ trẻ hôm nay không thể coi thường được, các em có những suy nghĩ tốt. Đó là lòng yêu nước, yêu thương gia đình. Trước khó khăn của ngành y tế, em không có thái độ phản ứng với chế độ như cách nói trên mạng của những thế lực xấu. Bản thân em Hiếu thấy rõ chuyện ba người một giường bệnh, ai có tiền thì được ở phòng Dịch vụ- chỉ có một bệnh nhân trong một phòng mát mẻ, sạch sẽ. Nhưng em không oán trách xã hội. Em hiểu được nước mình còn nghèo nên phải như thế và việc phân hóa giầu nghèo là không có gì lạ.

Tinh thần của em Hiếu là viết lên sự thật nhưng với một thái độ thông cảm. Em viết về mẹ, về cha với một tình cảm và lời văn thật đẹp đẽ và đáng xúc động. Câu văn chính xác, tinh tế, chân thật và sâu sắc. Bài văn cho thấy không ít các bạn trẻ có tâm trạng rất tốt, yêu quý mẹ cha và nghĩ mình phải làm gì để đỡ gánh nặng cho gia đình và phải học tập ra sao cho xứng với sự hy sinh lớn lao của cha mẹ, ông bà. Chính tình thương đã biến thành sức mạnh, em gầy đi tới 8kg nhưng vẫn cố gắng bớt ăn sáng để gia đình có thêm tiền chữa trị bệnh hiểm nghèo cho mẹ .

Từ một bài văn ngắn đã có ảnh hưởng dây chuyền đến cả xã hội. Mọi người thấy bức xúc và mong muốn cần phải nhanh chóng cải thiện chế độ chữa bệnh cho người nghèo, chế độ bảo hiểm y tế cho mọi tầng lớp trong xã hội. Nhiều doanh nghiệp đang trốn tránh việc đóng bảo hiểm y tế cho công nhân. Nhiều người ca thán đóng bao nhiêu năm mà chả được viên thuốc nào (nhẽ ra phải vui mừng vì đã không ốm đau chứ). Làm sao để mọi người hiểu được rằng nhiều người đóng góp để cứu chữa cho một người, và người được cứu chữa có thể là chính mình.

Để có em học sinh viết một bài mà cả xã hội xúc động tôi cho là một thành công của cô giáo nói riêng và của cả ngành giáo dục nói chung. Hơn nữa, bài văn viết rất chân thật, không phải hư cấu như câu chuyện về "Lượm" mà trước đây đã phát trên truyền hình.

Bài văn không hề nhằm kêu gọi mọi người giúp đỡ nhưng vì tính chân thực và đầy tình thương yêu mẹ của người viết cho nên khi được đưa lên công luận thì đã gặp được rất nhiều tấm lòng thơm thảo của những người hảo tâm muốn giúp đỡ một cách thiết thực cho em Hiếu . Bài văn gióng lên tiếng chuông cần thay đổi nội dung và cách dạy môn ngữ văn cũng như các môn học khác, cũng như yêu cầu bức thiết cần đổi mới chế độ bảo hiểm y tế , nhất là bảo hiểm cho người nghèo.

Bài văn lạ được coi là thành công của ngành giáo dục

PV:- Được biết, em Hiếu dự định sẽ dùng một phần số tiền em được giúp đỡ để làm từ thiện, ông nghĩ gì về cách tiêu tiền như thế này của em Hiếu?

GS Nguyễn Lân Dũng:- Tôi không tán thành việc này nếu đúng như vậy. Làm như thế rất dễ dẫn đến hiểu lầm là muốn đánh bóng tên tuổi mình. Tôi không tin một người như em Hiếu lại có động cơ như vậy. Bản thân gia đình em đang rất khó khăn. Mẹ em đang ở giai đoạn rất hiểm nghèo của bệnh thận. Em cần dùng số tiền tài trợ này để cứu người mẹ rất đáng thương yêu của mình.

PV:- Trước khi đọc bài văn của em Hiếu, còn bài văn nào của học sinh mà ông cảm thấy ấn tượng, xúc động nào nữa không, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Lân Dũng: - Tôi nhớ trước đây, có một em học sinh gốc Việt ở Australia được giải nhất trong một cuộc thi tập làm văn. Hay ở chỗ dùng một đề bài mở, chỉ có hai chữ "Bước ngoặt". Với đề bài này người ta có thể đánh giá được cách biểu thị cảm xúc, cách viết câu văn, cách diễn đạt ý tưởng và cũng đánh giá được tâm trạng, ý thức của từng học sinh.

Em học sinh này đã viết về chuyến thăm Việt Nam và chuyện bố mẹ em gửi vào một trường phổ thông để sống chung với các bạn trẻ trong nước. Em biểu thị lòng cảm phục về học sinh Việt Nam khi biết các em còn nghèo, về nhà còn phải giúp đỡ bố mẹ làm nhiều việc vậy mà vẫn học rất giỏi, nhất là về các môn Khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, em học sinh này đã viết lên hai nỗi buồn cho học sinh Việt Nam mà tôi thấy chúng ta rất đáng suy nghĩ. Đó là, học sinh không được "cãi" một câu nào với thầy cô, và hai là, sân trường không một cọng cỏ. Không phải là cãi nhau với thầy cô nhưng tinh thần của giáo dục là phải lấy học sinh làm trung tâm. Phải cho các em mạnh dạnh nói lên suy nghĩ của chính mình, thầy cô cần lắng nghe và giải thích lại một cách thấu tình, đạt lý. Học sinh có thông thì mới hiểu, mới nhớ được. Nhà trường không có sân chơi, chỉ có một sân gạch nhỏ bé thì học sinh lấy đâu chỗ vui chơi, giải trí một cách thoải mái giữa các giờ học?

PV:- Bài văn được chấm với điểm rất lạ "8+1", nhiều người cho rằng giáo viên này rất giỏi khi đã phát hiện ra bài văn lạ này. Trong khi ở trên ông cho rằng học sinh hiện nay học chưa vững tiếng Việt. Ông đánh giá về giáo viên dạy văn này như thế nào?

GS Nguyễn Lân Dũng: -Tôi thấy giáo viên này vừa giỏi vừa có nhân cách tốt. Có giỏi và có lòng tốt thì mới đánh giá cao được một bài tập hơi khác thường như vậy. Nhưng tôi có hai điều không rõ lắm. Nếu thấy đáng cho điểm 9 thì cứ cho 9, tại sao lại cho điểm 8+1 ? Hai là, một giáo viên dạy Văn nhưng tại sao không chữa cho học sinh một lỗi sai chính tả trong bài viết: Chẩn đoán chứ đâu phải là chuẩn đoán? Chẩn có nghĩa là thăm dò (chẩn bệnh, chẩn đoán, chẩn mạch, chẩn trị…) Còn chuẩn có nghĩa là đúng hay là quyết định (chuẩn độ, chuẩn đích, chuẩn hóa, chuẩn mực, chuẩn xác, chuẩn bị, chuẩn chi, chuẩn y…)

Xin cảm ơn Giáo sư
Bảo Anh (thực hiện)

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xinhan/201111/GS-Nguyen-Lan-dung-Bai-van-gay-soc-ve-dong-tien-la-tieng-chuong-canh-tinh-2110296/