GS.TS Phan Thanh Sơn Nam: Cảm ơn vì cho tôi cơ hội được sống trọn vẹn với đam mê

“Tôi thật sự biết ơn những nhà quản lý và những nhà khoa học đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam trong thời gian qua. Nhờ vậy, tôi mới có cơ hội được sống trọn vẹn với niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình” – GS.TS Phan Thanh Sơn Nam xúc động phát biểu tại buổi lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017.

Chưa từng được thế giới công bố

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là một trong 2 tác giả được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu - Giải thưởng danh giá trong nước đầu tiên vinh danh các nhà khoa học có công trình khoa học xuất sắc mang tầm thế giới.

Các nhà khoa học đoạt giải thưởng phải có những đóng góp chủ đạo trong quá trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và công bố các kết quả thu được trên tạp chí khoa học quốc tế, được các nhà khoa học có uy tín của Việt Nam và thế giới - đánh giá xuất sắc.

Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên lĩnh vực Hóa học được vinh danh sau 4 năm tổ chức Giải thưởng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 cho hai nhà khoa học.

Công trình khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 của GS.TS Pham Thanh Sơn Nam có tên gọi: “Tổng hợp propargylamine từ N-methylaniline và alkyne đầu mạch thông qua con đường methyl hóa và hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H sử dụng vật liệu Cu2(BDC)2(DABCO) làm xúc tác [TTT1]”.

Để tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017, nhóm nghiên cứu lựa chọn 1 công trình tiêu biểu trong chuỗi những công trình thuộc định hướng nghiên cứu ứng dụng vật liệu MOFs làm xúc tác được công bố trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây.

"Nội dung công trình này tập trung vào việc nghiên cứu sử dụng vật liệu Cu-MOFs làm xúc tác cho phản ứng điều chế các hợp chất họ propargylamine theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H. Các hợp chất chứa cấu trúc propargylamine có nhiều ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực hóa dược, hóa chất nông nghiệp, vật liệu chức năng. Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra một chuyển hóa của N-methylaniline chưa từng được thế giới công bố trước đó", GS.TS Pham Thanh Sơn Nam chia sẻ.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017

Đáng chú ý, tất cả các công bố ISI của nhóm nghiên cứu đều được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam, với toàn bộ tác giả là người Việt Nam.

Đầu tư đúng hướng

Câu cảm ơn của GS Nam bắt nguồn tự tận đáy lòng và cũng là trăn trở của không ít các nhà khoa học, nhất là những người làm nghiên cứu cơ bản.

Có thể nói, vấn đề chi phí đầu tư máy móc, phòng thí nghiệm… đến thu nhập đang là bài toán rất đau đầu cho những người làm quản lý khoa học. Chẳng thế mà câu chuyện "chảy máu" chất xám, lãng phí nguồn trí tuệ vẫn đang xảy ra hằng ngày hằng giờ và là nỗi niềm đau đáu của những nhà khoa học đi học tập ở nước ngoài muốn trở về đất nước cống hiến.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và các đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm

GS Phan Thanh Sơn Nam nhớ lại: Năm 2006, sau khi hoàn thành khóa thực tập sinh sau Tiến sĩ tại Hoa Kỳ, trở lại Trường Đại học Bách Khoa công tác, tôi thật sự chán nản khi triển khai nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam. Phải mất gần 4 năm, nhờ có sự ra đời của Quỹ NAFOSTED, nhờ có ĐHQG TP.HCM đầu tư phòng thí nghiệm cũng như ưu tiên kinh phí cho hoạt động nghiên cứu cơ bản mang tầm quốc tế, nhờ có Sở KH&CN TP.HCM thời còn cấp kinh phí cho nghiên cứu cơ bản, tôi mới có cơ hội tiếp tục sống lại niềm đam mê của mình.

Và cũng thật may mắn năm 2009, Ban giám hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM đã phê duyệt cấp kinh phí cho dự án đầu tư chiều sâu phòng thí nghiệm Nghiên cứu cấu trúc Vật liệu, Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách Khoa đã cấp đất và kinh phí để xây phòng thí nghiệm. Sau đó đến năm 2012, Phòng thí nghiệm được nâng cấp thành Phòng thí nghiệm Trọng điểm cấp ĐHQG. Nhờ vậy, con đường nghiên cứu khoa học của Phan Thanh Sơn Nam bước sang một giai đoạn mới với các hoạt động nghiên cứu khoa học tiến dần đến các chuẩn mực quốc tế.

Nhờ gặp đúng môi trường tốt, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã có nhiều cơ hội phát triển niềm đam mê và mơ ước của mình.

Hiện nay, dù mới chỉ bước vào tuổi 40 song GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã có một bề dày thành tích học tập, nghiên cứu khoa học rất đáng ngưỡng mộ: Tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật hóa học – hóa hữu cơ tại Trường Đại học Bách khoa năm 1999; bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật hóa hữu cơ tại Đại học Sheffield (Vương quốc Anh) năm 2004. Sau đó, hoàn tất khóa học thực tập sinh sau tiến sĩ tại Viện công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) năm 2006.

Hiện nay, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trú vật liệu. Năm 2014, anh đã được phong hàm Giáo sư, danh hiệu cao quý của người làm công tác giảng dạy và trở thành một trong những vị giáo sư trẻ tuổi nhất trong bậc giáo dục đại học ở nước ta.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cũng đã tổ chức và hướng dẫn sinh viên nhiều công trình khoa học đạt giải cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Thành, cấp Bộ và các cuộc thi học thuật trong nước cũng như quốc tế.

Không đứng ngoài cuộc chơi hội nhập với thế giới

Rất tâm huyết, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã đưa ra 3 kiến nghị tại lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Theo GS Nam, mô hình Quỹ NAFOSTED của Bộ KH&CN cần phải được phát triển và mở rộng hơn nữa đến nhiều đơn vị quản lý khoa học các cấp. “Có như vậy, chúng ta mới không đứng ngoài cuộc chơi hội nhập với thế giới. Có như vậy, hoạt động nghiên cứu của Việt Nam mới có thể nhanh chóng bắt kịp và “sánh vai” cùng các hoạt động nghiên cứu tiên tiến ở các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, để từ đó có thể đưa khoa học công nghệ của Việt Nam bước qua một trang sử mới”- GS.TS Nam nói.

Bên cạnh đó, GS Nam cũng bày bỏ mong muốn: Giới khoa học chúng tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa, đặc biệt là trong việc tiếp tục đổi mới các quy chế quản lý khoa học công nghệ và quản lý tài chính. Hơn 10 năm khá vất vả với các quy định tài chính, tôi thật sự mong muốn Việt Nam sớm có một cơ chế tài chính thật gọn nhẹ mà hiệu quả, để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian vào các hoạt động chuyên môn.

Và cuối cùng, GS Nam cho rằng, khi đánh giá hiệu quả hoạt động của một nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm... cần phải sử dụng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế mà không nên “sáng tạo” ra những chuẩn mực riêng. Ngoại trừ những đề tài cơ sở mang tính thăm dò hoặc những đề tài phục vụ cộng đồng rõ ràng, nghiên cứu cơ bản phải cần các bài báo quốc tế ISI chất lượng, còn nghiên cứu ứng dụng thì cần những giấy chứng nhận về sáng chế (patent) quốc tế.

Liên Cơ

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/gsts-phan-thanh-son-nam-cam-on-vi-cho-toi-co-hoi-duoc-song-tron-ven-voi-dam-me-c7a529839.html