Gửi người trẻ: Xin đừng 'học giỏi'!

Các bậc phụ huynh hẳn là sẽ lao tới cho tôi một trận 'no đòn' khi nói điều này với con em họ. Nhưng xin hãy tin rằng đây là lời khuyên chân thành từ một người vốn được coi là 'học giỏi' theo định nghĩa thông thường của xã hội.

Định nghĩa 'học giỏi' này có thể hiểu nôm na là: 12 năm học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng lớn bé khác nhau, thi Đại học đậu trường 'khủng' với mức điểm cao. Học giỏi là luôn dẫn đầu lớp ở các môn quan trọng: Toán, Văn, Ngoại ngữ…; luôn xung phong lên bảng nhanh hơn các bạn khác và điểm phẩy trung bình lúc nào cũng ở mức chót vót. Thế nhưng tôi sẽ chỉ ra lý do tại sao học giỏi không phải lúc nào cũng tốt như bạn nghĩ.

Không có nhiều kỷ niệm tuổi thơ

Sau mười mấy năm đi học, có lẽ đây là điều tôi nuối tiếc nhiều nhất. Nếu kỷ niệm của tụi trẻ học hành làng nhàng là những buổi trưa trốn ngủ mò mẫm đi bắt chuồn chuồn châu chấu, những buổi chiều hè lang thang ăn quà vặt hay những trận đòn roi quắn đít vì bị điểm kém… thì tất cả những gì tôi nhớ về tuổi thơ của mình là học, thi, đạt giải thưởng, và... lại học.

Việc chỉ cắm đầu vào sách vở khiến tôi trở thành một đứa trẻ nhút nhát trong suốt thời tiểu học và trung học. Tôi thậm chí không biết chơi những trò đơn giản như nhảy dây, ô ăn quan… Việc liên tục chuyển tới các trường chuyên, lớp chọn cũng khiến cho tôi không có nhiều bạn bè thời niên thiếu.

Nếu thế giới trong sách đẹp một, thì tin tôi đi, thế giới ngoài đời thực sẽ đẹp mười. Nếu được quay ngược thời gian, tôi ước mình bớt học đi một chút và vui chơi nhiều hơn. Bởi vì, khả năng ngắm nhìn cuộc sống dưới con mắt vô tư là thứ qua thời gian bạn sẽ vĩnh viễn không lấy lại được.

Cái gì cũng giỏi, nên không biết mình thích cái gì

Nếu bạn học gì cũng giỏi, thì rất có thể bạn sẽ rơi vào tình trạng 'cái gì cũng biết nhưng chẳng thực sự thích cái gì'. Việc học giỏi mọi thứ khiến một học sinh/sinh viên là ngôi sao trong mắt thầy cô và các bạn khi còn đi học, nhưng lại khiến họ dễ dàng rơi vào khủng hoảng khi bắt đầu bước vào giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp .

Vốn 'giỏi' theo định nghĩa nêu trên, tôi đi làm từ năm 3 Đại học. Giống như nhiều người 'học giỏi' khác, tôi cũng nhảy việc qua nhiều công ty lớn nhỏ và trải qua nhiều môi trường khác nhau. Dù có tư duy tốt và nhạy bén nhưng bản thân tôi khi ấy còn nhiều suy nghĩ chưa chín chắn, nên luôn luôn có cảm giác 'công việc này không xứng với mình' hoặc 'đáng lẽ mình có thể được đãi ngộ tốt hơn'. Việc gì cũng có khả năng hoàn thành, song tôi luôn luôn cảm thấy không thỏa mãn. Và rồi tôi tự hỏi: Điều thực sự phù hợp với mình đang ở đâu?

Mãi tới sau này tôi mới nhận ra việc 'học kém' thời còn ngồi trên ghế nhà trường hóa ra lại là điều không quá tệ. Ít nhất thì bạn sẽ biết mình không mạnh ở điểm nào, để tập trung vào những mảng là sở trường. Những người biết tập trung hơn vào một lĩnh vực cụ thể suy cho cùng sẽ là những người thành công hơn, bởi một nghề cho chín còn hơn chín nghề.

Không thể chấp nhận sự thật rằng mình có thể thất bại

Có lẽ đây là điều mà những đứa trẻ 'giỏi' trong trường học luôn thường mắc phải. Đã quen với việc được công nhận trong lớp, là 'cục cưng'của các thầy cô, những bạn trẻ học giỏi không tránh khỏi ngộ nhận về bản thân. Việc về Nhì dường như là điều khó chấp nhận với họ, từ môi trường học đường cho tới khi bước chân ra ngoài xã hội.

Nhưng thực tế cuộc sống vốn muôn màu. Điểm 10 Toán trên lớp không khẳng định bạn là một nhân viên Kế toán xuất sắc. Đứng đầu khối về Ngoại ngữ không đảm bảo bạn có thể soạn thảo được một hợp đồng giao dịch xuất khẩu trơn tru không lỗi sai. Cuộc sống bên ngoài giảng đường đòi hỏi không chỉ là kiến thức sách vở, và bởi thế nếu vẫn quen ý nghĩ mình là số một, những người học giỏi sẽ khó biết rằng mình cần khiêm nhường để học hỏi.

Tôi từng chứng kiến rất nhiều người giỏi trên trường lớp nhưng không thành đạt trong cuộc sống. Lý do là vì họ không có khả năng chấp nhận thất bại. Khái niệm 'giỏi' thuần túy học thuật không đảm bảo cuộc sống sau này sẽ dễ dàng hơn - nó chỉ chứng tỏ bạn đã kiên trì và có lòng ham thích kiến thức mà thôi. Nếu sự đam mê kiến thức ấy không chuyển hóa thành sự đam mê học hỏi nói chung: mọi thứ từ những điều nhỏ bé nhất, như cách rót nước pha trà, phô-tô tài liệu đến việc thực hiện những giao dịch kinh doanh lớn… thì chắc chắn bạn sẽ không thành công được dù có học giỏi tới đâu.

Một người sếp cũ của tôi từng nói: 'Em hãy trở thành một miếng bọt biển. Hãy hút tất cả mọi thứ tinh hoa ở xung quanh về phía em, rồi em sẽ trưởng thành'. Tôi rất biết ơn anh vì lời khuyên ấy. Người học giỏi trong cuộc sống khác người học giỏi trên trường lớp ở việc họ sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu từ những người bình thường nhất xung quanh mình.

Học giỏi đương nhiên là một cái lợi lớn. Nhưng hãy quan tâm đến việc mình sẽ trở thành ai, chứ đừng gò ép mình trong khuôn mẫu 'học giỏi' ở nhà trường. Đừng sợ hãi khi thấy 'con nhà người ta' được giải Nhất, giải Nhì các cuộc thi này nọ… mà thui chột những khả năng thiên bẩm. Biết đâu sau này bạn sẽ là một họa sỹ tài năng? Biết đâu bạn có thể trở thành một vận động viên xuất sắc?

Nếu có thể quay về quá khứ, tôi ước mình học kém hơn một chút ở trường, và học được nhiều điều hơn từ cuộc sống.

-------

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Theo Lily Spiderum/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/gui-nguoi-tre-xin-dung-hoc-gioi.html