"Gửi tới mai sau" - dự án... trong mơ!

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long nhận trách nhiệm và xin lỗi công luận về dự án

Dư luận đang xôn xao xung quanh dự án khu lưu giữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” của Quỹ Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội. Theo thông tin từ Quỹ Văn hóa Hà Nội - đơn vị triển khai thực hiện khu lưu giữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” - sẽ có 1.000 vật phẩm được chọn lựa để “gửi tới mai sau”. Trong 1.000 ý nghĩa này sẽ có 63 hiện vật là những gì tinh túy nhất của 63 tỉnh, TP trong cả nước, 937 hiện vật còn lại do người dân đề xuất... Theo “đề bài” của ban dự án, “những vật phẩm được gửi đến từ các tỉnh, thành trong cả nước phải mang được nét đặc trưng, gợi nhớ nét văn hóa, trình độ khoa học công nghệ và con người vùng miền đó. Không chỉ có các hiện vật ở tầm... “công nghệ cao” mới được góp mặt, các thông điệp để gửi cho mai sau có khi còn là “những vật dụng đơn giản gần gũi với chúng ta, có khi chỉ là “món đồ hằng ngày được ưa thích” hoặc “những nhãn mác của các mặt hàng nổi tiếng, báo hay tạp chí viết về sự kiện nóng hổi của đời sống, những tấm ảnh kỷ niệm hay đồng xu”... Cũng có khi vật phẩm là những đồ điện tử không phải do người Việt Nam phát minh ra như: đầu thu sóng truyền hình hay điện thoại di động... Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, ngày 9-10-2010, việc đặt vật phẩm sẽ được tiến hành trong khuôn viên mới xây dựng của Bảo tàng Hà Nội. Nhưng đến nay, những gì Sở VH-TT-DL Hà Nội trả lời các cơ quan truyền thông đã chuẩn bị được chỉ là “kế hoạch”, “trong ý tưởng”... Trong khi, dự án này được chính thức khởi động từ 4 năm trước, khi đó mang tên dự án “Lưu giữ thời gian”. Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng ông đã từng được xin ý kiến cho công trình này cách đây 2 năm, khi ấy ông đã hỏi, làm công việc này để làm gì, mục đích gì nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Lấy ví dụ chiếc máy hát băng cối của gia đình, ông Dương Trung Quốc cho biết 30 năm trước đó là đồ vật rất văn minh nhưng nay đã không còn được sử dụng, cũng không thể vận hành được. Chỉ có 30 năm thôi, sự phát triển đã đưa đến nhiều thay đổi không thể tưởng tượng nổi. Vậy mà, chúng ta đang tính cho tận 1.000 năm sau! Nhiều vật phẩm do ban tổ chức gợi ý không phải do người Việt sản xuất thì làm sao mang bản sắc văn hóa Việt để “gửi tới mai sau”? Chưa tính tới đến 63 tỉnh, thành còn lại, lựa chọn gì, lựa chọn như thế nào để lọc ra cái tinh túy nhất. Thủ đô có bao nhiêu làng nghề truyền thống thì chọn làng nào, sản phẩm gì cho xác đáng, ý nghĩa nhất. Việc thành lập hội đồng thẩm định sẽ được tiến hành ra sao? Những ai sẽ được mời tham gia, chọn lựa theo tiêu chí nào? Đó đều là những câu hỏi khó cho dự án “Gửi tới mai sau”. Trước những băn khoăn, suy nghĩ trên, ngày 25-3, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội Phạm Quang Long đã lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi. Ông Long khẳng định sẽ chọn ra cái xứng đáng nhất để gửi hậu thế nhưng không phải theo cách đã công bố. Giản dị mà ý nghĩa Khi xây dựng Bảo tàng Lịch sử VN, cụ Trần Huy Bá, một trong những người thiết kế, xây dựng Bảo tàng Lịch sử VN, đã ghi tên những người tham gia thiết kế công trình này rồi chôn xuống thềm bảo tàng. Ở thủy điện sông Đà cũng có một bức thư của các thế hệ công nhân VN xây dựng nhà máy thủy điện gửi các thế hệ tương lai được chôn vào lòng đất tỉnh Hòa Bình. Tất cả những việc làm ý nghĩa này không hoành tráng, ồn ào mà vẫn được trân trọng đến ngày hôm nay. 192.168.4.115

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100326121951690p0c1020/gui-toi-mai-sau-du-an-trong-mo.htm