Gương mẫu, đi đầu trong công tác đền ơn, đáp nghĩa

Hà Nội là một trong những địa phương luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công (NCC) với cách mạng. Mong muốn làm dịu đi những hy sinh, mất mát của những người, những gia đình đã hiến dâng máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc, nhiều năm qua, công tác 'đền ơn, đáp nghĩa' trên địa bàn đã trở thành phong trào sâu rộng với các hoạt động thiết thực.

Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm phối hợp phường Lý Thái Tổ trao kinh phí hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách trên địa bàn phường.

Thu hút sự chung tay của cộng đồng

Một trong những hoạt động nổi bật hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay được TP Hà Nội chú trọng, đó là công tác xây mới và sửa chữa nhà ở cho NCC. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 12-7, thành phố đã hoàn thành việc xây mới và sửa chữa 6.810 căn nhà cho NCC (trong đó, xây mới 3.319 căn, sửa chữa 3.491 căn); còn 485 căn đang tiến hành xây mới, sửa chữa. Bằng nguồn ngân sách của Trung ương, thành phố và nguồn xã hội hóa, thành phố đã hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà xây mới và 35 triệu đồng/nhà sửa chữa. Trong quá trình triển khai, việc làm ý nghĩa này đã nhận được sự quan tâm và chung tay góp sức của cộng đồng. Nhiều quận, huyện đã hoàn thành kế hoạch xây, sửa nhà cho NCC với mức hỗ trợ được nâng lên gấp đôi, nhờ nguồn ngân sách địa phương và nguồn kinh phí xã hội hóa.

Huyện Thanh Trì đã cơ bản hoàn thành việc xây mới và sửa chữa 194 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách với mức hỗ trợ 90 triệu đồng/nhà xây mới và 50 triệu đồng/nhà sửa chữa. Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Thị Thu Huyền cho biết: Huyện đã huy động mọi nguồn lực để chăm sóc, nâng cao mức sống của NCC và đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng. Ðến tháng 6-2017, huyện đã nhận được bốn tỷ đồng ủng hộ việc xây mới và sửa nhà cho NCC từ các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.

Tại quận Thanh Xuân, các phường vận động được hơn 800 triệu đồng, xây mới và sửa chữa nhà cho 17 hộ gia đình chính sách, NCC trên địa bàn. Tại huyện Hoài Ðức, trong số 2,5 tỷ đồng ủng hộ Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" dịp này, riêng các doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ 1,7 tỷ đồng.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, TP Hà Nội đã chi hơn 107 tỷ đồng tặng gần 130 nghìn suất quà tới các đối tượng chính sách, NCC với cách mạng. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, cho nên hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, NCC trên địa bàn đã có sức lan tỏa, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng. Kết quả thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh, đối với phong trào "Ðền ơn, đáp nghĩa", thành phố đã vận động đạt hơn 56 tỷ đồng (kế hoạch là 18,4 tỷ đồng, đạt 309% kế hoạch). Thành phố đã tặng 8.302 sổ tiết kiệm "Tình nghĩa" với kinh phí hơn 11 tỷ đồng (đạt 237% kế hoạch); tu sửa, nâng cấp 261 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 188 tỷ đồng (đạt 239% kế hoạch); rà soát các hộ gia đình NCC thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để có các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, vay vốn phát triển kinh tế. Ðến nay toàn thành phố không còn hộ nghèo là các đối tượng chính sách.

Qua tổng hợp, trên địa bàn thành phố có 185 thương binh có nhu cầu sử dụng xe lăn và 67 trường hợp là con liệt sĩ, con thương binh có nhu cầu hỗ trợ việc làm. UBND các quận, huyện, thị xã đã có kế hoạch tặng xe lăn cho thương binh và làm việc với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp trên địa bàn để có phương án hỗ trợ, tạo việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh.

Tri ân bằng những việc làm thiết thực

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng NCC lớn, với gần 800 nghìn người (chiếm gần 10% số NCC toàn quốc). Trong đó có hơn 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 223 mẹ còn sống), hơn 45 nghìn thương binh, bệnh binh, gần 80 nghìn liệt sĩ, hơn 13 nghìn người hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 500 nghìn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại. Những năm qua, thành phố luôn quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần NCC và các gia đình chính sách. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, có nhiều chính sách cao hơn mức của Trung ương, để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NCC, gia đình chính sách. Thành phố trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và thanh niên xung phong sống cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tổ chức điều dưỡng luân phiên hai năm/ lần (Trung ương quy định 5 năm/ lần); tổ chức cấp gần 20 nghìn vé xe buýt miễn phí cho các đối tượng thương binh, bệnh binh và NCC.

Tại hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu trên địa bàn thành phố vừa được tổ chức, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Phong trào đền ơn đáp nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Ðồng chí đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc thành phố tiếp tục cố gắng, khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót trong công tác "đền ơn đáp nghĩa"; có những giải pháp quyết liệt để đưa tất cả các chính sách đối với NCC đi vào cuộc sống.

Những hoạt động, phong trào tình nghĩa thiết thực là minh chứng cụ thể cho tinh thần trách nhiệm, tình cảm tri ân của nhân dân Thủ đô đối với những NCC. Mong rằng những việc làm này ngày càng được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng, góp phần làm vơi đi đau thương của những người, những gia đình đã chịu nhiều mất mát trong chiến tranh. Ðó cũng là bài học cho các thế hệ hôm nay để sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh và công lao đóng góp to lớn của các thế hệ cha ông vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33568102-guong-mau-di-dau-trong-cong-tac-den-on-dap-nghia.html