Hà Giang: Bãi rác ô nhiễm, dân lập hàng rào chặn xe môi trường

Không chịu nổi sự “hành hạ” của bãi rác hơn 6 năm tích tụ, chưa qua xử lí, người dân phải dùng đến cách lập hàng rào chặn xe rác.

“Sống chung” với rác

Vừa qua, phản ánh đến đường dây nóng báo PhapluatPlus.vn, hàng chục hộ dân ở thôn Lũng Loét, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) cho biết, họ đang phải sống chung cùng rác và những hệ lụy mà “núi” rác “khủng” mang lại.

Ngay khi nhận được thông tin, PV đã có mặt tại địa điểm đổ rác xác minh thực tế và ghi nhận mùi hôi, ruồi nhặng phát ra từ bãi rác khổng lồ án ngữ tại địa phương này.

Biết PV đến, chỉ trong chốc lát nhiều người dân ở khu vực quanh bãi rác đã tập trung bày tỏ bức xúc với người viết, họ cho rằng bãi rác đã “hành hạ” gần một trăm hộ trong bán kính hơn 500m, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của đồng bào.

Bãi rác "khủng" gây ô nhiễm nhiều năm nay. (ảnh: Phàn Giào Họ)

Ông Nguyễn Lộc Sơn (SN 1941), sống cách bãi rác chỉ chừng 20m bức xúc nói: “trước khi quy hoạch, huyện đến tận nơi cam kết với chúng tôi là sẽ có khu xử lí rác. Đồng thời, nhà nước sẽ có hướng xây luôn nhà máy sản xuất phân vi sinh, tạo việc làm cho nông dân quanh vùng.

Tuy nhiên, lời hứa đó từ năm 2010 đến nay vẫn chưa được thực hiện. Nhưng rác thì cứ ùn ùn ngày một nhiều, đến hiện tại đã tích tụ thành “núi rác”.

Theo ông Sơn, vì người dân phản ánh quá nhiều việc núi rác gây ô nhiễm nặng, ruồi nhặng có cơ hội “hoành hành” ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.

Vì thế bắt đầu từ năm 2011, công ty môi trường huyện Vị Xuyên đã phát cho mỗi gia đình 100 vỉ diệt ruồi mỗi tháng.

Ông Sơn cũng cho hay, chừng đó vỉ diệt ruồi chỉ đủ để đặt 2 ngày là hết nhẵn. Vì thế, để chống lại nạn ruồi hoành hành, ông và vợ mình phải tự bỏ tiền lương hưu ra mua vỉ.

“Sau khi kịch liệt phản ánh về những ảnh hưởng mà bãi rác đem lại, vào tháng 8 vừa qua, công ty môi trường huyện Vị Xuyên đã phát cho mỗi gia đình một lọ thuốc để phun diệt ruồi quanh nhà. Tuy nhiên, ruồi sau khi phun thì đã bớt, nhưng gà, vịt nhà tôi chết sạch. Dĩ nhiên chẳng ai đền bù cho chúng tôi cả”, ông Sơn nói tiếp.

Nói đến bãi rác gây ô nhiễm, bà Bùi Thị Huệ ( SN 1974) cho biết, kể từ khi có bãi rác, mỗi lần ăn cơm gia đình bà phải đóng kín cửa hoặc phải mắc màn ăn cơm. Bằng không ruồi đậu vào thức ăn, bò vào bát canh khiến gia đình bà phải ăn cả ruồi.

Theo những người dân ở thôn Lũng Loét, một vài gia đình sống quanh bãi rác vì không thể chịu nổi mùi hôi thối và nạn sinh vật từ rác nên đã chuyển đi nơi khác. Chẳng hạn như gia đình ông Nguyễn Văn Tính phải bỏ hoang ngôi nhà khang trang để ra TP. Hà Giang sống.

“Không có kinh phí để di rời”

Không riêng gì người dân ở xã Ngọc Linh mới phải chịu ô nhiễm nặng nề từ bãi rác khổng lồ tại thôn Lũng Loét, mà một vài gia đình thuộc thôn Bằng Trần, xã Đạo Đức cũng đang phải chịu mùi hôi thối từ bãi rác này đem lại.

Ngoài mùi hôi, người dân phải "sống chung" với ruồi nhặng. (ảnh: Phàn Giào Họ)

Anh Hoàng Văn Sơn, trú tại thôn Bằng Trần bức xúc nói: “ nhà tôi cách bãi rác phải hơn 500m, nhưng cứ tối là cả nhà phải đóng cửa. Mùi hôi của xác chết động vật, rồi thức ăn người ta vứt đi cứ ám khắp nơi không thể nào ngửi được, kể cả phun thuốc khử mùi được một lúc thì lại tiếp tục như cũ”.

Anh Sơn cho biết, đầu năm 2016, tình trạng động vật chết được vứt bừa bãi ra bãi rác gây ô nhiễm nặng. Vì thế, người dân địa phương đã gây sức ép nên công ty môi trường mới chịu thuê máy xúc về chôn lấp xác động vật.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đặng Thị Sìn, trưởng thôn Lũng Loét cho hay, đúng là vào tháng 6 năm 2016, đội dịch vụ công cộng (DVCC) thuộc công ty môi trường huyện Vị Xuyên có cam kết với người dân là sẽ xử lí rác thải bằng mọi biện pháp. Phân loại rác và xử lí đảm bảo không gây ô nhiễm ảnh hưởng người dân, tuy nhiên công ty đã không thực hiện đúng như bản cam kết này.

“Vì quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm mà không có cách giải quyết thỏa đáng, nên người dân đã nhiều lần thay nhau lập hàng rào không cho xe rác đi vào bãi đổ rác. Điển hình như 2 lần vào năm 2012 – 2013 và lần cuối cùng vào năm 2015, gây sức ép cho công ty môi trường”, bà Sìn cho biết.

Theo nhiều người dân ở thôn Lũng Loét, bãi rác khổng lồ được tích tụ từ nhiều năm nay không chỉ mang đến nạn ruồi, mùi hôi sặc sụa mà còn gây nên các bệnh về đường tiêu hóa. Đó cũng là phản ánh bà Phàn Thị Chảy (SN 1962) ở thôn Lũng Loét.

“trước đây chưa có bãi rác thì chẳng sao cả, thậm chí các con tôi còn mập mạp nữa chứ. Nhưng 2-3 năm nay hai đứa con của tôi một đứa 9 tuổi, một đứa 3 tuổi đều bị đau bụng, đi ngoài liên tục, đi khám thì các bác sĩ bảo bị viêm đường ruột, cần ăn uống vệ sinh. Các anh thấy đấy, ruồi nhiều thế này thì vệ sinh bằng cách nào?”. Bà Chảy bức xúc.

Thực trạng bãi rác ô nhiễm ( Video: Phàn Giào Họ)

Nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương về thực trạng ô nhiễm từ bãi rác, ông Phạm Đức Chúng, chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết: “hầu như lần nào tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nghe người dân phản ánh, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị lên huyện rồi. Còn về việc dân chặn xe của công ty môi trường chính quyền xã biết nhưng không can thiệp, chúng tôi chỉ báo cáo lên cấp trên thôi, vì đây không phải thẩm chuyền ủa chúng tôi”.

Nhằm thông tin đa chiều về thực trạng này, PV đã có mặt tại trụ sở công ty môi trường huyện Vị Xuyên, tuy nhiên nhân viên văn phòng tại đây cho biết lãnh đạo đã đi vắng. Trao đổi qua điện thoại với ông Lý Đức Giang, giám đốc công ty môi trường thì ông Giang cho hay: “đúng là chúng tôi đã ký bản thỏa thuận với người dân là sẽ xử lý và phân loại trong quá trình đổ rác.

Thực tế chúng tôi còn thực hiện tốt hơn bản thỏa thuận lúc đó, cụ thể là năm 2012 chúng tôi đã cho nâng cấp cấu trúc bãi rác, mở rộng quy mô và phủ bạt để chống không cho rác thải ngấm ra môi trường xung quanh”.

Nói về bức xúc của nhân dân kéo dài và trách nhiệm của chính quyền huyện, ông Lê Thanh Hải, phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: “Nhà tôi cũng có máy xúc riêng và thường hay được công ty môi trường thuê xúc ở bãi rác này. Mỗi lần đến dọn dẹp tôi cũng nhìn thấy cảnh tượng ruồi nhặng bâu kín máy xúc và mùi hôi, kể cả mình là người dân thì cũng bức xúc như họ thôi.

Có điều kinh phí của huyện không có, trước đây quy hoạch bãi rác này chỉ có vốn hơn một tỷ thì không xây nổi khu xử lí công nghệ cao, huống chi còn phải đền bù cho nhân dân.

Chúng tôi từng khảo sát ở km 35 và nhiều nơi những mong tìm được địa điểm ít dân cư để đổ rác nhưng không nơi nào phù hợp. Tới này chính quyền huyện sẽ bố trí nhưng từng bước một”.

PhapluatPlus sẽ tiếp tục thông tin.

Phàn Giào Họ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ha-giang-bai-rac-o-nhiem-dan-lap-hang-rao-chan-xe-moi-truong-d32645.html