Hà Giang: Khuyến công đồng hành cùng doanh nghiệp

Dành 100% kinh phí khuyến công (KC) địa phương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc công nghệ vào sản xuất, phát triển thương hiệu, KC Hà Giang đã và đang nỗ lực góp phần thúc đẩy sản xuất, khai thác lợi thế địa phương.

Khuyến công Hà Giang tập trung hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

CôngThương - Năm 2013, với 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí KC địa phương, Trung tâm KC và xúc tiến công thương Hà Giang đã triển khai 8 đề án, bao gồm 6 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc công nghệ vào sản xuất và 2 đề án xây dựng thương hiệu. Như vậy, 100% kinh phí KC địa phương năm 2013 của Hà Giang dành hỗ trợ cho các cơ sở CNNT phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, hơn 3,14 tỷ đồng nguồn vốn KC quốc gia cũng dành để triển khai 10 đề án, tạo sự thay đổi đáng kể cho năng lực sản xuất cũng như diện mạo ngành CNNT tỉnh.

Năm 2014, dự kiến tổng kinh phí khuyến công đề nghị hỗ trợ của Hà Giang: 6,677,5 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 5,177 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 1,5 tỷ đồng.

Cụ thể, trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè hữu cơ với tổng mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng, trong đó, kinh phí KC quốc gia hỗ trợ 250 triệu đồng. Sau khi hoạt động ổn định, mô hình đã giúp DN đạt trên 19 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, giá sản phẩm chè hữu cơ xuất khẩu của DN cũng tăng từ 2 USD lên 6,5 USD.

Trung tâm cũng phối hợp với hộ kinh doanh Nguyễn Khắc Chí, huyện Bắc Quang trình diễn mô hình sản xuất gỗ ván bóc với tổng công suất 1.200 m 3 /năm. Hiện mô hình đã hoạt động ổn định và tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2 – 2,5 triệu đồng/người/tháng…

Theo ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công Hà Giang, hoạt động KC đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và tạo điển hình để nhân rộng mô hình. Khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản- những sản phẩm thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và góp phần tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở CNNT của Hà Giang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực kinh tế hạn chế nên rất khó để đầu tư phát triển sản xuất. Mỗi huyện đều có đề án điểm nhưng do các cơ sở phân bố rải rác nên chưa mang tính tập trung cao. Kinh phí hỗ trợ cho KC từ ngân sách địa phương còn thấp và thiếu ổn định nên chưa khuyến khích được các cơ sở tham gia.

Cũng theo ông Hải, để tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT hấp thụ mạnh hơn nguồn vốn KC, năm 2014 và những năm tiếp theo, KC Hà Giang sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hơn và tập trung vào các ngành nghề có lợi thế của địa phương. Tiếp tục ưu tiên cho các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Sớm ban hành Quy định quản lý kinh phí KC và Chương trình khuyến công giai đoạn 2014 - 2016 để đảm bảo cho công tác KC trên địa bàn được quản lý chặt chẽ, hỗ trợ đúng định mức và ổn định…

Hải Linh

Khuyến công Hà Giang tập trung hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/dia-phuong/50592/ha-giang-khuyen-cong-dong-hanh-cung-doanh-nghiep.htm