Hạ lãi suất thôi chưa đủ !

(DĐDN) Từ đầu tuần này 11/6/2012, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng có kỳ hạn 1 tháng trở lên đến 12 tháng sẽ giảm xuống chỉ còn 9%/năm. Trên 12 tháng, các ngân hàng (NH) được ấn định lãi suất.

Lãi suất cho vay phổ biến của TCTD đối với khách hàng trong tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6/2012 (Đơn vị: %/năm, nguồn: NHNN)

Đó là một trong số các nội dung chính của Thông tư số 19/2012/TT-NHNN (Thông tư 19) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9/2011 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt làTCTC), và Thông tư số 20/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2012/TT-NHNN ngày 04/5/2012 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế; ban hành song song cùng Quyết định số 1196/QĐ-NHNN về mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH.

Nhà băng: Không nhu cầu “vẽ lại đường cong lãi suất”

Loạt Quyết định và Thông tư được ban hành nêu trên nằm trong đợt điều chỉnh lãi suất cơ bản và điều hành lần thứ 4 của NHNN trong 6 tháng vừa qua. Cũng là đợt điều chỉnh trần lãi suất huy động “nhảy cóc” ở mức kéo giảm lớn nhất lên tới 2%, từ 11% xuống 9%/năm.

Thị trường nhìn chung gần như bất động, không có phản ứng trước các thông tin tích cực đã nêu. Ngoại trừ, sự sôi động đã diễn ra vài ngày trước thời điểm các quyết định chính thức có hiệu lực trong tuần trước, khi nhiều người gửi tiền đã đáo hạn tiền gửi trước hạn và gửi lại để mong hưởng lãi suất cũ cao hơn mức lãi suất hiện hành và với kỳ hạn dài hơn. Trái ngược với sự sôi động của người dân, các nhà băng không mặn mà với nhu cầu của người gửi tiền dài hạn. Nhiều NH đã tư vấn hoặc khuyến cáo người gửi tiền nên cẩn thận trước khi rút tiền trước hạn và gửi lại. Tại ngân hàng S. trên phố Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, nhân viên tư vấn NH nhấn mạnh: “NHNN đã có thông điệp khẳng định sẽ giữ mức lãi suất 9%/ năm từ nay đến cuối năm 2012. Cũng rất có thể đáy lãi suất sẽ được kéo xuống mức 8%/năm. Tuy nhiên, nếu gửi dài hạn 6 tháng đến 1 năm, nhiều khi anh, chị cần một món tiền xử lý công việc và rút trước thời hạn, thì lúc đó gửi dài hạn đón lãi suất cũng thành… công cốc”.

Nhà băng không muốn các khoản tiền gửi dài hạn, trong khi đây lại là dịp “vẽ lại” đường cong lãi suất kỳ hạn, đưa các khoản tiền trung và dài hạn về mức hợp lý, cao hơn mức lãi suất ngắn hạn như nghịch lý ngược lại vốn đã tồn tại trước đây, qua đó tạo điều kiện cho chính các NH có nguồn vốn trung và dài hạn dồi dào hơn, lý do chỉ có một: Thực chất, các NH cũng đang không có nhu cầu vốn. Nói như chuyên gia Tài chính Hồ Quốc Tuấn từ Đại học Manchester (Anh), các NH Việt cũng đang lâm vào tình trạng khủng hoảng – suy kiệt tín dụng (credit crunch) và chỉ còn biết mang một lượng tiền lớn để vào các tài sản chất lượng cao (flight to quality), an toàn như tín phiếu và trái phiếu Chính phủ.

Rõ ràng là các NH đang tìm được đầu ra. Mà một trong những đầu ra chính của hệ thống NH VN, là cho vay đối với DN, các khách hàng tổ chức. Thực tiễn, dư nợ cho vay của một số các NH đứng ở top đầu trong hệ thống NH VN thời gian qua đã cho thấy sự bức bí nguồn khách hàng tổ chức có chất lượng, đảm bảo an toàn vốn của các NH, khi các DN thuộc nhóm đối tượng được giảm lãi suất cho vay ở các NH đã và đang chiếm tỉ trọng rất thấp. Năm 2011, tỉ lệ cho vay lãi suất 17 – 18% của Agribank chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ của NH này. Tại NH ACB, tỷ trọng dư nợ của DN xuất nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 2,2%/ tổng dư nợ trong năm 2011. Với tình trạng tín dụng tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm 2012, chắc chắn tỉ trọng dư nợ này chưa thể cải thiện, dù lãi suất đã hạ và thanh khoản của các NH không còn là vấn đề mang tính hệ thống.

Chìa khóa không còn nằm ở hạ lãi suất

Có thể nói động thái hạ lãi suất cơ bản lần này của NHNN đang tiếp tục hướng đến mục tiêu rộng đường tín dụng lãi suất thấp cho nền kinh tế, và từ đó từng bước tiến đến tháo dỡ trần lãi suất, thực thi cơ chế thị trường. Nhưng một chính sách tiền tệ mang tính cứu trợ cho nền kinh tế lúc này dù được cho là phù hợp với xu hướng, điều kiện thị trường, cũng sẽ khó có phát huy hết tác dụng, nếu nền kinh tế không hấp thụ được. Một chuyên gia ví von tín dụng giá rẻ hiện nay cũng giống như một liều thuốc bổ được dành để bồi dưỡng cho người đang trọng bệnh. Thuốc bổ quý đến đâu cũng không thể chữa lành bệnh và thay thế cho thuốc trị bệnh. Do đó, khó trách DN hay chính các NH đều thờ ơ với những bước đi chính sách.

Xét một cách cụ thể, theo vị chuyên gia này, có hai trường hợp cơ bản mà người bệnh – các DN tỏ ra thờ ơ với những liều thuốc bổ tín dụng.

Ở trường hợp thứ nhất, đó là do “thuốc bổ” chỉ được treo… trên cao, không đưa được tới miệng người bệnh, vì lãi suất danh nghĩa hạ vẫn hạ, lãi suất thực tế cao vẫn… cao. DN dù có nằm trong các nhóm ưu tiên cũng không tiếp cận lãi suất thấp do không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định mà NH đưa ra, hoặc DN muốn tiếp cận được tín dụng phải chấp nhận mức lãi hiện hành trên thị trường, là mức vẫn dao động trên 17%/năm. Hiện tượng có thể diễn giải theo kiểu DN đang đứng ở dưới gốc cây nhìn lên gói tín dụng lãi suất thấp – những chùm nho chín mọng treo trên cành cây cao, với không tới nên đành than “nho còn xanh lắm”… Nếu DN có đói quá, khát vốn quá thì đành chấp nhận nuốt…nho xanh. Mà khi nuốt “nho xanh”, vay tín dụng lãi suất cao, thì không phân biệt loại hình hoạt động của DN, ở mức lãi suất cho vay trên 17%/năm, sẽ chỉ có khoảng 46% các DN niêm yết - là những DN đại chúng và có quy mô vốn lớn nếu so với DNVVN trong nền kinh tế - mới có thể sống khỏe (theo thống kê của StoxPus). Nay, nếu cộng thêm một khoảng thời gian tương đương 6 tháng – 1 năm qua DN đã gồng mình ở mức lãi suất 17%/năm (thậm chí cao hơn) thì chưa biết sức chịu đựng của DN hiện nay đã bị mài mòn tới đâu.

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan đang tác động vào DN hiện nay như môi trường kinh doanh đang ngày càng kém đi, thị trường thắt chặt sức mua, thị phần DN co rút, các chi phí đầu vào bao gồm lương cơ bản của nhân công, điện, nước, than, xăng… cũng gia tăng khoảng cách so với thời gian cách nay 1 năm khiến DN còn yếu sức hơn cả thống kê của StoxPlus ở năm ngoái. Còn trong trường hợp thứ hai, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn khiến doanh thu giảm sút nhưng chi phí lãi vay vẫn đội lên do sản phẩm không bán được hoặc khó bán cũng dẫn đến kết quả là DN không vay được vốn, do chưa trả nợ được nợ cũ, không đủ điều kiện vay mới hoặc ngay cả khi đã được NH khoanh nợ, giãn nợ, cho đảo nợ, DN cũng chỉ đảo nợ để tiếp tục cầm cự, không có vốn và không dám tái đầu tư sản xuất kinh doanh.

Với cả hai trường hợp này, nhiều người đã đặt giả thiết là nếu trần lãi suất cho vay được ấn định ở mức… 10 %, thậm chí thấp hơn, thì khó khăn của DN có xoay chuyển được hay không? Có thể thấy ngay câu trả lời: Với điều kiện lãi suất xuống thấp và một Cty mua bán nợ quy mô 100.000 tỷ đồng ra đời và “làm sạch” bảng cân đối tài chính của các NH, chưa tính đến chuyện 100.000 tỷ đồng nợ xấu dự kiến được mua sẽ bán cho ai, liệu các NH có chấp nhận hạ điều kiện tín dụng, cho DN vay vốn với mức độ rủi ro mất vốn vẫn tiếp tục ngoài tầm kiểm soát?

Cứu DN: Hiệu quả hơn nếu cứu thị trường

Bài toán kích thích vòng quay tạo tiền trong nền kinh tế lúc này, có lẽ không phải nằm ở chuyện hạ lãi suất hay nên quyết liệt hạ lãi suất thêm một đợt nữa hay không, mà mấu chốt nằm ở việc làm thế nào để cứu DN, cứu thị trường. Khảo sát các DN của phóng viên đều nhận được câu trả lời chung: Chỉ khi thị trường sôi động sức mua, hàng tồn kho được giải quyết, đầu ra đang ách tắc của mọi ngành hàng được khơi thông, DN mới có thể đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí thẩm định tín dụng và vay vốn giá rẻ mà NH đặt ra (ở trường hợp 1); cũng như mới có động lực vay vốn, đầu tư trở lại, tái sản xuất kinh doanh (ở trường hợp 2). Chỉ khi đó NH mới “tháo” được vốn, “cục máu đông” trong máu huyết mạch nền kinh tế - nợ xấu NH, cũng mới có thể nhìn thấy lối đi, đầu ra để xử lý một cách phù hợp mà không đưa lại viễn cảnh thất thoát vốn Nhà nước, không gây áp lực lên mục tiêu ổn định lạm phát và đổ mọi gánh nặng lạm phát lên chi phí đời sống của người dân.

Trong khi chúng ta đang tính chuyện phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho một Cty mua bán nợ quy mô “khủng” thì tại sao không tính chuyện phát hành trái phiếu Chính phủ để lấy vốn cho một gói hỗ trợ thị trường? Gói hỗ trợ đó sẽ được giải ngân trở lại thông qua hệ thống NHTM, dành cho những đối tượng người dân có khả năng chi trả cho các khoản vay mua sắm, tiêu dùng trong khoảng 10-30 triệu đồng/ người vay. 10 - 30 triệu đồng sẽ không thể là khoản tiền đủ để người dân tính chuyện đầu tư địa ốc, chứng khoán, nhưng lại có thể giải quyết các nhu cầu mua sắm, chi tiêu gia đình trong thời hạn 6 tháng - 2 năm, góp phần giải quyết hàng tồn kho cho DN...

Thử hình dung ngắn gọn, chúng ta đang có thị trường với sức mua của khoảng 84 triệu dân. 60% trong số đó đang thuộc độ tuổi lao động, tương đương khoảng 50 triệu người. Nếu 1/10 trong số 50 triệu dân được vay tín dụng tín chấp từ gói hỗ trợ thị trường dự kiến nêu trên, với thời gian trả góp dài hạn và trị giá các khoản vay bình quân khoảng 20 triệu đồng/ người, thì tổng dư nợ cho vay từ gói cứu trợ cho vay cũng sẽ đạt 100.000 tỉ đồng, tương đương quy mô của một Cty mua bán nợ đang được đề xuất thành lập. Chừng đó lượng vốn được đẩy trực tiếp vào nền kinh tế sẽ có ý nghĩa ra sao, nếu so với chừng đó nguồn vốn được đẩy vào một tổ chức tài chính chỉ để giải tỏa khó khăn cho một cụm các tổ chức tài chính khác mà đầu ra lại vẫn chưa nhìn thấy; có lẽ không khó để so sánh hiệu quả.

Dĩ nhiên, hai điều kiện đi kèm theo gói hỗ trợ lãi suất vẫn là một bộ tiêu chí xét tín dụng cho vay được NHNN đề ra thống nhất và xuyên suốt trong hệ thống NH; và một sự thanh tra, giám sát nghiêm ngặt để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20120613030616639cat54/ha-lai-suat-thoi-chua-du-.htm