Hà Nội bị ngập khoảng 2.000ha lúa và hoa màu

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội, tính đến 17 giờ chiều 17/7, tổng diện tích cây trồng bị ngập do mưa bão khoảng 1.370ha.

Địa phương có diện tích cây trồng bị ngập nhiều nhất là Hoài Đức với gần 630ha, Chương Mỹ với 250ha. Tiếp đến là Thanh Oai 225ha, Đan Phượng 105ha, Quốc Oai gần 400ha, Phúc Thọ 350ha, Sơn Tây 5ha. Đặc biệt, có khoảng 5ha thuộc huyện Thạch Thất bị ngập trắng. Theo đánh giá, hầu hết diện tích canh tác trên chủ yếu là lúa mới gieo cấy. Do đó, thiệt hại đối với bà con sẽ là rất đáng kể.
Trước diễn biến mưa lớn do bão số 2, hồi 16 giờ chiều nay, các DN thủy lợi của Hà Nội đang tiếp tục vận hành 75 trạm bơm với 323 tổ máy bơm các loại. Tổng lưu lượng bơm khoảng 922.500m3/giờ để tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đáng chú ý, báo cáo hồi 17 giờ chiều nay của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội cho thấy, hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) đang tích nước ở mức cao hơn so với thiết kế (5,9m so với 5,8m thiết kế). Ngoài ra, hồ Kèo Cà (huyện Sóc Sơn), mực nước đang ở mức tràn bờ (21,5m). Một số hồ chứa khác, mực nước đã gần đạt mức thiết kế và được dự báo sẽ còn tiếp tục lên như: Hồ Đồng Sương (huyện Chương Mỹ), hồ Miễu (huyện Thạch Thất), hồ Đồng Đò và hồ Đồng Quan (huyện Sóc Sơn), hồ Mèo Gù (huyện Quốc Oai), hồ Văn Sơn (huyện Chương Mỹ)…

Tại huyện Quốc Oai, tính đến chiều tối 17/7, lượng mưa đo được trên địa bàn huyện đạt 196mm, cao hơn rất nhiều so với thời điểm chiều 16/7 (chỉ 69mm). Mưa lớn đã khiến cho 450ha lúa mới cấy trên địa bàn huyện bị ngập lụt, chủ yếu ở các xã ven sông Tích như Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu… và một phần ở vùng trũng thuộc các xã Đồng Quang, Cộng Hòa. Trong ngày 17/7, huyện Quốc Oai đã vận hành cả 8 trạm bơm với công suất trung bình 1.000 - 1.500m3/h để bơm tiêu úng cho cây trồng. Bà Nguyễn Thị Sắc - Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, cùng với vận hành các trạm bơm tiêu, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng cho cây trồng. “Hiện tại vẫn chưa có diện tích cây trồng nào bị thiệt hại” - bà Sắc cho hay.
Trước diễn biến của mưa bão, trong ngày 17/7, đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Quốc Oai do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Lâm làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện. Đoàn đã đi kiểm tra việc vận hành 8 trạm bơm tiêu chính của huyện và các vị trí đê, kè trọng điểm. Qua kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Lâm yêu cầu các đơn vị theo dõi diễn biến của mưa bão để vận hành hợp lý các trạm bơm tiêu, tránh để xảy ra ngập úng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Cùng với đó, các xã, thị trấn chủ động tháo nước đệm cho các vùng sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập lụt gây ra.

Lãnh đạo huyện Quốc Oai kiểm tra việc vận hành trạm bơm tiêu úng cho cây trồng. Ảnh: Hữu Vĩnh

Tại huyện Phúc Thọ, lượng mưa trung bình đo được trong 2 ngày (16 - 17/7) trên địa bàn huyện là 144mm, trong đó riêng trong ngày 17/7 là 132,5mm. Mực nước sông Hồng đo tại trạm thủy văn Sơn Tây là 7,74m, mực nước Sông Tích đo tại Kim Quan là 5,31m. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Phúc Thọ, tính đến chiều tối 17/7, mưa bão đã làm ngập úng 353ha cây trồng trên địa bàn, trong đó diện tích lúa là 293ha (gồm ngập trắng 110ha, ngập sâu 183ha), diện tích rau màu bị ngập là 60ha. Diện tích cây trồng bị ngập chủ yếu ở các xã Hát Môn, Ngọc Tảo, Hiệp Thuận, Phụng Thượng…
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phùng Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ và các xã, thị trấn khẩn trương khơi thông các dòng chảy của các kênh tiêu nội đồng, các kênh tiêu lớn để chống úng cho cây trồng. Trong ngày 17/7, huyện Phúc Thọ đã vận hành 3 trạm bơm gồm Hiệp Thuận 2 (7 máy công suất mỗi máy 8.400m3/h), Trạm bơm K9 (3 máy, công suất mỗi máy 1.800m3/h), Trạm bơm Hát Môn (3 máy, công suất mỗi máy 2.500m3/h) để tiêu úng.
Trước đó, từ 1/6 - 15/7, trên địa bàn huyện xảy ra 2 đợt mưa lớn đã làm ngập úng 420ha lúa và rau màu các diện tích trũng của các xã, thị trấn. Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ đã vận hành 4 trạm bơm tiêu với 18 máy bơm và tổng công suất là 87.300m3/h để tiêu thoát úng cho cây trồng. Đến nay các diện tích lúa mới cấy và rau màu đã được tiêu úng cơ bản, tuy nhiên còn khoảng 13ha lúa mới do ngập lâu phải cấy lại. Huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo cấy lại và gieo trồng lúa vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-bi-ngap-khoang-2000ha-cay-trong-293156.html