Hà Nội cấm xe máy, đẩy mạnh đường sắt nội đô: Giám đốc Sở GTVT tự tin ra sao?

Trong khi lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tự tin với lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy đi vào khu vực nội đô thì ĐB HĐND TP lại cho rằng đó chỉ là “giải pháp tình thế” mang tính chất “sắp xếp lại”...

Ngân sách 20%, xã hội hóa 80% vốn làm đường sắt đô thị

Nói về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, khó khăn nhất của thực hiện lộ trình cấm xe máy vào nội đô là thói quen đi lại của người dân.

“Tôi đã từng mời một số người dân chưa bao giờ đi xe buýt đi thử phương tiện này, khi lên xe buýt họ mới thấy tốt quá, an toàn sạch sẽ thoải mái. Chúng ta thay đổi được thói quen, lối sống của người dân là khó khăn nhất, không phải ngày một ngày hai. Dư luận cũng xôn xao cho rằng cấm xe máy là cấm ngay, nhưng từ nay đến năm 2030, Hà Nội còn 13 năm để thực hiện lộ trình hạn chế phương tiện, xây dựng hệ thống giao thông công cộng đồng bộ”- Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cũng được nhiều người băn khoăn khi cho rằng, hiện nay TP mới chỉ đang thực hiện hai tuyến đường sắt đô thị là Nhổn – Ga Hà Nội và Hà Đông – Cát Linh thì cả hai tuyến này đều chậm tiến độ và đội vốn. Với tốc độ “rùa bò” của các dự án giao thông công cộng như hiện nay, liệu đề án này có khả thi? Nguồn vốn đầu tư vào các công trình giao thông công cộng như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, xe bus… có suôn sẻ?

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện cho rằng: “Thành phố đã khẳng định, nguồn ngân sách là 20%, 80% huy động đầu tư từ xã hội. Thành phố có đề án rất cụ thể để triển khai. Chủ tịch UBND Hà Nội đã báo cáo Chính phủ, nêu lộ trình thực hiện đường sắt đô thị có tính cả phương án kinh tế, cơ chế huy động nguồn lực đầu tư. Tuy trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng tính khả thi cao”.

Trong khi đó, ĐB HĐND TP Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, cho rằng, xã hội hóa các chương trình hợp tác công tư, kêu gọi nước ngoài gần như là đích rất tham vọng. Đó cũng là một trong những giải pháp của Thành phố. "Còn nếu cứ để tình trạng kéo dài đi xe máy tôi nghĩ cũng là vấn đề nan giải, xe máy cứ tiếp tục tăng, hạ tầng không thể đáp ứng được".

Tuy nhiên, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, những việc Thành phố đang làm mới chỉ mang tính chất “sắp xếp lại” hay nói cách khác là những “giải pháp tình thế”. Vấn đề mấu chốt của giao thông Hà Nội hiện nay đó là mật độ dân cư trong nội thành quá lớn.

“Việc đào bới, hạ tầng giải phóng mặt bằng tốn kém lắm. Do đó cần có giải pháp lâu dài. Và tôi đã từng kiến nghị, xây dựng thành phố hiện đại thông minh bên cạnh Hà Nội cổ xưa bây giờ. Đô thị này gần Hà Nội mà không cần phải đi quá xa vì tập quán người dân chứ 5 đô thị vệ tinh hiện nay quá xa. Trong khi những khu vực gần rất sẵn”- ông Đoàn nhấn mạnh.

80% nội đô cách bến đỗ vận tải hành khách công cộng dưới 500m

Một trong những điều kiện quan trọng để dừng xe máy trong khu vực nội đô là phải phát triển các loại hình vận tải công cộng để thay thế đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 80% khu vực nội đô tiếp cận điểm dừng đỗ vận tải hành khách công cộng dưới 500m. Còn đối với những điểm trên 500m, mà có một số ý kiến lo ngại như khu chung cư, ngõ nhỏ thực hiện kết nối bằng các phương tiện khác như xe đạp, kể cả xe đạp của cá nhân của người ta. Chúng tôi có bố trí các điểm giao thông tĩnh ở những điểm kết nối với phương tiện giao thông công cộng để người dân có thể đi xe đạp.

Một phương án nữa là có dịch vụ cho thuê xe đạp tại các nút giao thông công cộng để người dân có thể sử dụng di chuyển. Không loại trừ có những hành khách sử dụng taxi từ nhà đến điểm có phương tiện giao thông công cộng. Tôi tin rằng, với lợi ích của phương tiện giao thông công cộng là an toàn, văn minh, thuận tiện hơn thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ” - ông Vũ Văn Viện khẳng định.

Giám đốc Sở GTVT cho biết sẽ rà soát lại toàn bộ mạng lưới, trên cơ sở dựa vào các tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào hoạt động. Từ nay đến năm 2030, sẽ phải phủ kín kết nối bằng hệ thống vận tải, xe bus và các phương tiện vận tải công cộng khác để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi đó, ĐB HĐND TP Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái cho rằng, việc đến năm 2030 cấm hoàn toàn xe máy vào khu vực nội đô có thực hiện được hay không thể hiện ở sự quyết tâm của chính quyền Thành phố. Bởi theo vị đại biểu này thì nhìn ra Thủ đô các nước, thậm chí các nước chậm phát triển hơn VN như Myanma – Thủ đô của họ “người ta còn không có xe máy”.

"Có rất nhiều khách nước ngoài nhận xét: muốn đi xe bus nhưng chất lượng dịch vụ thấp, không có chỉ dẫn rõ ràng, không sạch sẽ… khiến họ không thích đi. Do đó, nâng cao chất lượng dịch vụ loại hình này là một yêu cầu lớn cùng với một loạt tuyến đường sắt trên cao… Nếu quyết tâm, đặc biệt người dân ủng hộ thì mới khả thi”- ông Đình Đoàn nói.

Lộ trình thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.

Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ha-noi-cam-xe-may-day-manh-duong-sat-noi-do-giam-doc-so-gtvt-tu-tin-ra-sao-post231650.info