Hà Nội: Chủ tịch phường Dịch Vọng tắc trách, gây khó dễ cho dân?

Liên quan căn nhà cổ chỉ được đền bù với giá của nhà cấp 4 ở Hà Nội, ông chủ tịch UBND phường còn làm cả giấy mời người đã chết ra làm sổ đỏ và xác nhận đất có giấy tờ là đất không giấy tờ.

Đánh giấy mời người đã mất cách đây 35 năm ra làm sổ đỏ

Quay lại thời điểm vào ngày 12/3/2014, ông Lê Văn Chỉnh (SN 1942) trú tại địa chỉ số 1, ngách 337/61 đường Cầu Giấy, Hà Nội (tổ 22, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết ông và vợ của ông là bà Nguyễn Thị Lộc (SN 1943) hết sức bất ngờ khi nhận được hai tờ giấy mời của Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng là ông Lương Mậu Hùng về việc họp Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với phường Dịch Vọng vào 14 giờ ngày 13/3/2014 tại Ủy ban phường. Chuyện sẽ chẳng có gì lạ nếu như ông Chủ tịch này không gửi thêm cả giấy mời cho ông Lê Văn Miện (tức bố đẻ của ông Lê Văn Chỉnh) đã mất năm 1981, đến nay đã là 35 năm.

Giấy mời đại diện gia đình ông Lê Văn Miện (bố đẻ ông Chỉnh đã mất cách đây 35 năm).

“Tôi không hiểu tại sao ông Lương Mậu Hùng lại gửi cả giấy mời cho hai bố con tôi dù bố tôi đã mất cách đây lâu lắm rồi, mà nếu như còn sống đi chăng nữa thì việc gửi hai giấy mời một lúc có phải là ông ta nghĩ đất này có hai chủ. Mảnh đất này đã được phường Dịch Vọng xác nhận là đất do bố đẻ tôi để lại cho tôi sử dụng từ năm 2000 rồi cơ mà, mời một mình tôi thôi chứ?”, ông Chỉnh cho biết.

Những câu chuyện “khó tin” do chủ tịch phường Dịch Vọng, ông Lương Mậu Hùng “tạo ra” vẫn chưa dừng lại ở đó. Minh chứng cho khẳng định này là vào năm 2015, khi UBND quận Cầu Giấy tiến hành đền bù, GPMB đối với 233,3 m2 trong tổng số 774,9 m2 đất mà gia đình ông Lê Văn Chỉnh nắm quyền sở hữu để phục vụ, xây dựng dự án đường Trần Đăng Ninh kéo dài thì lại một lần nữa, ông Chỉnh và vợ của mình bất ngờ nhận được giấy xác nhận của vị Chủ tịch phường có ghi rõ rằng 233,3 m2 đất đó của gia đình ông là không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Quá bức xúc trước vụ việc này, ông Lê Văn Chỉnh cho biết: “Đất nhà tôi là 774,9 m2, có quyền chứng nhận quyền sở hữu từ năm 1956 do chủ tịch Hà Nội lúc bấy giờ là ông Trần Duy Hưng ký, có dấu đỏ. Ấy vậy mà bây giờ ông chủ tịch Hùng lại bảo 233,3 m2 trong đó là không có giấy tờ, thế có khác nào ông ta chỉ cả ngôi nhà của tôi là có phép nhưng riêng phòng ngủ của tôi là không phép hay không?”

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Miện được cấp năm 1956.

Ông Chỉnh còn thông tin thêm rằng ông đã đem sự việc này để chất vấn chủ tịch phường Lương Mậu Hùng trong buổi họp với nhân dân phường Dịch Vọng sau đó không lâu, và khi đó, tất cả mọi người có mặt đều không giấu nổi sự ngạc nhiên cùng những tiếng cười.

Và cho đến nay, tức là đã hơn 1 năm nhưng việc làm sổ đỏ cho gia đình ông Lê Văn Chỉnh vẫn rơi vào bế tắc dù đã có những lần, phường Dịch Vọng cử “cả đoàn người” có cả Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, những người vốn không liên quan đến “thương lượng”, làm sổ đỏ cho ông Chỉnh.

Trình độ của ông chủ tịch phường đến đâu?

PV đã nhiều lần liên hệ làm việc trực tiếp với ông Lương Mậu Hùng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng để tìm câu trả lời cho những sự việc trên, nhưng ông này chỉ trả lời qua điện thoại một cách không rõ ràng và cáo bận, không gặp với lý do… “họp kín tuần!”?

Khi PV đặt câu hỏi về việc tại sao lại đánh giấy mời cả ông Lê Văn Miện và ông Lê Văn Chỉnh ra họp mặc dù ông Miện đã mất cách đó 35 năm thì Chủ tịch Lương Mậu Hùng trả lời rằng: “Đấy là do các anh em cán bộ bên địa chính họ không nắm được thông tin, họ trình lên thì tôi ký”. Những người đứng ở vị trí lãnh đạo của một phường lại không nắm được thông tin về việc ai còn sống, ai đã chết thậm chí là chết cách đây 35 năm, quả là một sự việc “khó tin” đi kèm với một lời giải thích cũng “không thể tin được”.

Tiếp tục, khi được PV hỏi về chuyện tại sao lại khẳng định rằng 233,3 m2 đất nhà ông Lê Văn Chỉnh lại không có giấy tờ, ông Hùng cho biết: “Đấy là tôi viết theo luật 100 đất đai (điều 100 Luật Đất đai - PV) chứ, sau đó tôi cũng vẫn động viên ông Chỉnh và thúc giục anh em trong phường làm sổ đỏ cho ông ấy”.

Trích lục bản đồ xác nhận đang sử dụng nhà đất của ông Chỉnh.

Trả lời là như thế nhưng có lẽ vị chủ tịch này cũng không nắm được rõ Điều 100, Luật Đất đai quy định vấn đề gì? Lý do bởi điều 100 Luật Đất đai để giải thích về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Theo đó, thì gia đình ông Lê Văn Chỉnh thuộc vào khoản 1a: “Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất”.

Có được điều này bởi lẽ năm 1956, mảnh đất mà ông Chỉnh đang cư trú đã được chủ tịch TP.Hà Nội lúc bấy giờ là ông Trần Duy Hưng xác nhận có quyền sử dụng bởi ông Lê Văn Miện, ông Miện sau khi mất đã để lại cho ông Chỉnh theo quan hệ cha - con. Xin được nhắc lại là việc thừa kế này tiếp tục được xác nhận bởi chính UBND phường Dịch Vọng vào năm 2000. Vậy căn cứ vào đâu mà ông Lương Mậu Hùng khẳng định trong văn bản xác nhận mà UBND phường Dịch Vọng gửi đến ông Lê Văn Chỉnh rằng 233,3 m2 đất kia là không có giấy tờ sở hữu?

Chính những câu trả lời có phần chống chế này của ông Lương Mậu Hùng đã khiến cho không ít người phải đặt câu hỏi rằng mục đích của ông là gì và trình độ của ông đến đâu khi mà cứ liên tục vẽ nên những câu chuyện “khó tin” nhưng có thật?

Vụ việc sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin.

Doanh Chính/GĐ&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/chuyen-kho-tin-chu-tich-phuong-moi-nguoi-chet-lam-so-do-p42048.html