Hà Nội: Chưa hạ nhiệt cơn khát nước sạch

Những cơn mưa giông rải rác từ chiều ngày 6 đến sáng ngày 7/6 chỉ đủ dịu đi cái nắng nóng kỷ lục suốt mấy ngày qua tại Hà Nội. Người dân Thủ đô mới chỉ kịp được hít thở bầu không khí mát tương đương với nhiệt độ cơ thể, tạm hồi phục sức khỏe sau những ngày ngột thở trong chảo lửa, trong khi đó mối lo thiếu nước sạch sinh hoạt vẫn từng ngày, từng giờ lơ lửng, đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của nhiều khu vực.

Mới đầu tuần đi làm, vượt quãng đường gần chục km từ nhà đến cơ quan, ngồi vào bàn làm việc, chị Nguyễn Vân Anh, cư dân KĐT Linh Đàm đã than thở: Thôi chết, tối nay chắc em lại phải di tản sang nhà ông bà nội tắm giặt rồi. Các mẹ trong khu nhà vừa thông báo là cả tòa nhà hiện không còn giọt nước nào.

Cùng hoàn cảnh trên, anh Nguyễn Văn Hải cư dân quận Cầu Giấy hài hước chia sẻ trên facebook: “Chồng đi công tác, gọi điện về hỏi thăm “Paris (thuật ngữ mới cư dân mạng gọi vui về Hà Nội) có gì lạ không em?” - vợ cáu “mất xừ nước từ đêm qua”.

So với hơn 30 hộ dân ngõ 161, đường Bát Khối (phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) thì các khu vực trên vẫn còn may mắn. Đã hơn 20 ngày nay, người dân ở đây phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bất an đảo lộn, khổ sở. Theo nhiều người dân, Công ty nước sạch vẫn “bỏ mặc” các hộ dân không đến khắc phục.

Ảnh minh họa.

Khốn đốn nhất phải kể đến hơn 300 hộ dân tòa nhà Trung KĐT Rice City Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Hơn 01 tháng nay, họ thường xuyên phải sống trong cảnh cấp nước phập phù ngày có ngày không, thậm chí mất liền 2 ngày trời. Tình trạng mất nước chưa có nguyên nhân thuyết phục và giải pháp tình thế là Ban quản lý tòa nhà phải mua bổ sung nước bằng xe téc về cung cấp cho tòa nhà nhưng hiệu quả chỉ như muối bỏ bể.

Thực tế, điệp khúc thiếu nước sinh hoạt mùa hè tại các đô thị lớn, mật độ dân đông đúc như Hà Nội luôn thường trực diễn ra, đặc biệt vào mùa hè. Điều này đã được cơ quan chức năng dự báo từ đầu hè 2017.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, do nguồn cấp nước thiếu, nhiều khu vực thuộc 4 quận nội thành thiếu nước sạch trong mùa hè. Cao điểm, lượng nước sạch thiếu từ 70.000-100.000m3 mỗi ngày đêm (tổng lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu năm 2015 và 2016 là từ 40.000 - 60.000 m3/ngày đêm).

Một số khu vực được dự báo khó khăn như: đường Bưởi (quận Ba Đình); Thụy Khuê (quận Tây Hồ); Hàng Buồm, Hàng Tre, Trần Nhật Duật, Hàng Gai, Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm); Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa)…

Việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện do 4 Công ty đảm nhiệm, cung cấp cho trên 1.150.000 hộ dân (4,6 triệu người); tỷ lệ người dân khu vực 12 quận được cung cấp nước sạch đạt 97%; tỷ lệ thất thoát thất thu trên hệ thống khoảng 21,5%.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, tổng nguồn cung cấp nước từ các nhà máy trên địa bàn thành phố khoảng trên 900.000m3 mỗi ngày đêm, trong khi nhu cầu dùng nước sạch mùa hè tăng trung bình 10-12% so với mức bình thường, tương ứng trên 1.000.000m3 mỗi ngày đêm.

Trả lời báo giới về nguyên nhân thiếu nước, mất nước cục bộ, nhà chức trách thường đổ lỗi cho sự chậm tiến độ thi công tuyến ống số 2 dẫn nước từ Nhà máy sông Đà về Hà Nội (khởi công tháng 10/2015). Thực tế công suất nhà máy nước sông Đà hiện trên 200.000m3 mỗi ngày đêm, chiếm 23% tổng sản lượng nước sạch cấp cho thành phố.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ, Hà Nội yêu cầu các đơn vị chuẩn bị phương án cấp nước bằng xe téc, khảo sát lắp đặt một số bồn chứa nước dự trữ tại các khu dân cư đông người…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô được sử dụng nước sạch đủ tiêu chuẩn.

“Trong quy hoạch, thành phố đã chỉ đạo để sử dụng nước mặt sông Đà, Sông Đuống, sông Hồng. Phấn đấu năm 2020 có khoảng 1,7 triệu m3 nước ngày đêm, trong đó cơ bản sử dụng nước mặt các con sông, giảm công suất và tiến tới chấm dứt sử dụng khai thác nước ngầm”. Cơ sở của mục tiêu này trông đợi và kỳ vọng vào Dự án nhà máy nước sông Đuống đi vào vận hành đúng tiến độ sau 22 tháng triển khai.

Tuy nhiên đó là chuyện vĩ mô. Người dân vẫn mong muốn cơ quan chức năng có nhiều động thái tích cực hơn nữa, đi sâu đi sát vào đời sống, kịp thời xử lý những điểm nóng thiếu nước đừng để tình trạng dân khát, dân khổ mà cơ quan chức năng không hề chia sẻ, không có biện pháp hỗ trợ cũng như không đưa ra được lý do thấu đáo như tình trạng một số khu vực đang diễn ra hiện nay.

Để tháo gỡ khó khăn về nước cho Hà Nội, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có Văn bản số 1612, đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch cấp nước thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND TP Hà Nội cập nhật dự án đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì và dự án đầu tư xây dựng Trạm cấp nước Dương Nội - Hà Đông vào đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Hà Nội; đồng thời, thực hiện việc lập, thẩm định và trình duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Hà Nội theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, đáp ứng nhu cầu cấp nước trước mắt và lâu dài cho Thủ đô.

Uyển Trà

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-chua-ha-nhiet-con-khat-nuoc-sach.html