Hà Nội cố gắng tăng tốc xuất khẩu

KTĐT - Nhìn chung, kim ngạch XK của Hà Nội vào các thị trường thế giới đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó các thị trường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy thoái kinh tế như Mỹ, EU bị sụt giảm nhiều nhất.

Xuất khẩu của Hà Nội khó về đích Tại cuộc giao ban các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) trên địa bàn thành phố (14/10), ông Nguyễn Mạnh Hoàng- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thừa nhận: Mặc dù chỉ tiêu XK năm 2009 của Hà Nội đã được HĐND TP điều chỉnh không tăng so với năm 2008, nhưng nhiều khả năng chỉ tiêu kim ngạch XK năm 2009 vẫn không hoàn thành được kế hoạch. Số liệu của Sở Công thương cho thấy, từ đầu năm đến nay kim ngạch XK của Hà Nội chỉ đạt hơn 4,7 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2008. Phần lớn kim ngạch các nhóm hàng XK đều suy giảm, trong đó nhóm hàng nông sản giảm 20,6%; Nhóm hàng dệt may giảm 5,7%; Nhóm linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi giảm 12,2%; Hàng giày dép và các sản phẩm từ da giảm 12,1%. Ông Hoàng cho biết: Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu giảm do giá cả hàng hóa giảm mạnh, cao điểm là từ quý IV/2008 đến quý II/2009. Một mặt, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở nhiều thị trường trọng điểm giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, XK của một số ngành có giá trị XK lớn của Hà Nội như dệt may, da giầy, dây và cáp điện…Bên cạnh đó, một số mặt hàng như nông sản, dệt may tuy lượng XK tăng nhưng giá XK bình quân lại giảm mạnh nên giá trị XK vẫn bị giảm. Chẳng hạn giá bán sản phẩm dệt may đã giảm 15-20% so với cùng kỳ, điều này gây thiệt hại "kép" đối với người sản xuất và doanh nghiệp. Ngoài ra, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ngày càng gia tăng khi các nước nhập khẩu ngày càng quan tâm hơn đến việc giành lại thị trường cho các doanh nghiệp trong nước thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Nhìn chung, kim ngạch XK của Hà Nội vào các thị trường thế giới đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó các thị trường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy thoái kinh tế như Mỹ, EU bị sụt giảm nhiều nhất. Đối với thị trường châu Á, kim ngạch XK của Hà Nội vào các nước này cũng giảm mạnh do nhiều hàng hóa của các nước khác ngày càng tương đồng với hàng Việt Nam. Đề xuất nhiều biện pháp cụ thể Sở Công thương đưa ra nhận định: Nếu tình hình kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm diễn biến tích cực, sức mua tăng trở lại, giá các mặt hàng tăng hơn thì kim ngạch XK 3 tháng cuối năm của Hà Nội có thể đạt từ 594-628 triệu USD/tháng, khi đó kim ngạch XK cả năm ước đạt 6,5-6,58 tỷ USD, giảm 5- 6,5% so với năm 2008. Để tăng cường hoạt động XK, các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu kiến nghị: Thành phố nên tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm bạn hàng. Ông Hoàng Hữu Chương- Giám đốc Công ty thương mại Nguyễn Hoàng đề xuất: Hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ là đưa doanh nghiệp tham dự các hội chợ quốc tế mà thành phố nên tăng cường tổ chức các hội nghị khách hàng cho doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài ngay tại Việt Nam. Việc làm này vừa tiết kiệm kinh phí, lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp giới thiệu sản phẩm với bạn hàng nước ngoài. Ông Nguyễn Minh Toàn- Phó giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Hà Anh cho rằng: Khi tổ chức các đoàn đi hội chợ ở nước ngoài, nên đưa doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành thay vì đến các hội chợ chung chung như hiện nay. Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự tìm được đối tác để mở rộng thị trường XK. Ông Nguyễn Mạnh Hoàng cho biết: Trong 3 tháng cuối năm, mặc dù thời gian không nhiều nhưng là nền móng đẩy mạnh xuất khẩu cho năm 2010. Do vậy, chủ trương của thành phố Hà Nội là đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản. Bên cạnh đó, cần tập trung xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường mới, giàu tiềm năng như châu Phi, khu vực Trung Đông, Tây Á và Nam Á, là nơi ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, có sức mua khá mạnh. Ông Hoàng cho biết thêm: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp XK, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. Nâng cấp hệ thống đường truyền mạng trong các khâu khai báo thủ tục điện tử; nâng cao chất lượng thông tin có tính chất dự báo về thị trường, khách hàng, giá cả, cung cầu... cung cấp cho doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức XTTM trong và ngoài nước nhằm tăng cường tổ chức cho doanh nghiệp các nước vào giao thương với doanh nghiệp Hà Nội. Bài và ảnh: LN

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=45&newsid=179816