Hà Nội cưỡng chế nhà nối, TP.HCM đập dọn vỉa hè

Cảnh quan đô thị vốn là một trong những yếu tô để đánh giá sự phát triển của một thành phố. Cùng với sự đô thị hóa nhanh chóng, cảnh quan lộn xộn, không đảm bảo mỹ quan, ảnh hưởng tới môi trường cũng đang tồn tại ở hàng loạt thành phố lớn của Việt Nam. Nhưng dọn dẹp những tàn dư của quản lý tiền nhiệm cũng là một thách thức khi quá mạnh tay, quá nhiệt tình cũng gây ra những cảnh tượng ngang trái.

Hà Nội “dọn dẹp” Hồ Tây, tranh cãi hạ đê sông Hồng

Sau thời gian dài trì hoãn, quận Tây Hồ cũng đã có những giải pháp “mạnh tay” đối với việc dẹp các công trình, nhà nổi tại Hồ Tây đã tồn tại trong nhiều năm nay.

Trước đó vào ngày 17/2, UBND quận Tây Hồ đã có kế hoạch yêu cầu các nhà nổi, du thuyền Hồ Tây phải tự tháo dỡ, di dời trước thời điểm 10/3. Nếu không, quận sẽ tổ chức cưỡng chế và các nhà nổi, du thuyền phải chịu mọi chi phí.

Sau khi tiến hành tháo rỡ toàn bộ các nhà nổi, du thuyền quận sẽ tiến hành lắp đặt lan can tại khu vực từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi (đường ven hồ). Vị trí tập kết toàn bộ các phương tiện thủy nội địa sẽ ở khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân).

Trong tuần qua, hàng loạt nhiều công trình, nhà nổi tại khu vực Hồ Tây đã bắt đầu được tháo dỡ hay cưỡng chế tháo dỡ.

Máy xúc dọn dẹp nhiều công trình bê tông, cốt thép trái phép tại vùng lòng hồ

Môi trường xung quanh nhiều khu vực nhà nổi, du thuyền đều ô nhiễm nặng

Ảnh: An Ninh Thủ Đô

Việc tháo dỡ công trình tại Hồ Tây nhằm giúp trả lại cảnh quan cho vùng hồ, cùng với đó là hạn chế việc ô nhiễm do hoạt động và xả thải của các du thuyền, nhà nổi vốn đã hoạt động từ hơn chục năm nay. Một số nhanh chân chạy sang hồ Trúc Bạch. Số còn lại vẫn kinh doanh dịch vụ bar, pub. Tất nhiên không phải tự dưng nó xuất hiện.

Hiện có 13 đơn vị kinh doanh, hoạt động tại khu vực hồ Tây. Phương tiện thủy hoạt động nơi đây gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng với: 8 tàu du lịch, một tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm).

Theo VnExpress

Nếu việc cưỡng chế dỡ bỏ du thuyền, nhà nổi tại hồ Tây phần lớn nhận được sự ủng hộ của người dân thành phố thì việc luận bàn hạ chiều cao đê sông Hồng lại có nhiều ý kiến trái chiều.

Hiện chưa có quyết định cuối cùng về việc có hay không hạ chiều cao đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương

Dù hiện tại TP Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ từ phía Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc hạ cốt đê sông Hồng xuống cao độ dương 12,4 mét, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, đồng thời thay đổi kết cấu đất bằng dạng bê tôn chữ L. Việc hạ đê nhằm mục đích xây dựng đường Nghi Tàm 2 chiều cũng như xây dựng cầu vượt ở nút giao này.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia cho rằng không nên hạ chiều cao đê sông Hồng xuống 12,4 mét vì đây là cao trình dưới mực nước lũ thiết kế. Hiện cao trình của đoạn đê sông Hồng từ khách sạn Thắng Lợi tới cửa khẩu An Dương có chiều cao14,8 đến 15,2m. Nếu hạ xuống mức 12,4 m tức là cần giảm kết cấu từ 2,4-2,8m và cao trình này thấp hơn mức nước lũ thiết kế tại trạm thủy văn Hà Nội là 13,4m.

Hiện tại, chưa có quyết định cuối cùng về việc có hay không hạ đê sông Hồng, và đề xuất này vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia.

Trong khi việc tháo dỡ các công trình tại Hồ Tây hay hạ chiều cao đê Sông Hồng thu hút sự chú ý của người dân thủ đô, thì tại TP.HCM việc “đòi lại vỉa hè” tại quận 1 cũng đang thu hút sự chú ý.

TP.HCM: ra quân tấn công công trình lấn chiếm vỉa hè tại quận 1

Trụ sở khu phố 6, phường Bến Thành xây dựng trái phép ngay trên vỉa hè bị đập bỏ. Ảnh:Zing

Lâu nay, vỉa hè vốn dĩ dành cho người đi bộ tại nhiều TP đã và đang bị lấn chiếm một cách khá “triệt để”. Những công trình được xây dựng trái phép, hàng quán lấn chiếm, hàng rong, quán cóc, trông xe… đều nghiễm nhiên sử dụng vỉa hè. Nhiều tuyến phố, người đi bộ chỉ có nước “vòng xuống lòng đường” bởi vỉa hè đã chẳng còn chỗ trống. Hiện trạng này cũng tạo nên sự lộn xộn cho vỉa hè, cũng như bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, dọn dẹp nạn “cướp vỉa hè” vẫn đang như bắt cóc bỏ đĩa, dẹp chỗ này lại có chỗ khác hiện ra.

Lần đầu, việc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ được thực hiện quyết liệt, đồng bộ tới thế tại TP.HCM. Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải nhanh chóng thành người nổi tiếng khi là người trực tiếp dẫn đoàn kiểm tra, thực hiện dọn dẹp những công trình lấn lề đường, vỉa hè tại khu vực quận.

Hiện tại, việc dọn dẹp những công trình vẫn đang diễn ra với cả các công trình của cơ quan nhà nước và của các cá nhân. Các tuyến phố ông Hải trực tiếp đi kiểm tra, yêu cầu dọn dẹp cũng đã có thêm nhiều vỉa hè được giành lại cho người đi bộ.

Tuy kết quả và việc duy trì vỉa hè thông thoáng tại quận 1 sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng. Nhưng nếu không có người mở đầu có lẽ việc dọn dẹp vỉa hè tại TP.HCM nói riêng và các TP khác trong cả nước vẫn sẽ “dậm chân tại chỗ” và bộ mặt của TP nhiều nơi vẫn đủ lem nhem, lộn xộn.

Thực tế, câu chuyện chỉnh trang đô thị luôn cần được làm đồng bộ bởi các cơ quan quản lý từ cao, tới thấp. Tuy nhiên, việc chỉnh trang này cũng sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi, hay thói quen của không ít người dân khi vỉa hè ở Việt Nam còn là kế sinh nhai của rất nhiều hộ dân. Nơi đây cũng là khu vực tạo nên thu nhập của nền kinh tế phi chính thống. Hoạt động cưỡng chế thô bạo đã khiến một số chủ kinh doanh bật khóc. Nếu việc dọn dẹp này không có lộ trình, khảo sát ý kiến người dân, thuyết phục, cảnh báo thì cuộc tấn công vào quận I dù mục đích tốt đẹp nhưng chưa phải là kết thúc có hậu. Không chỉ vậy, việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ vẫn chưa đủ bởi tất cả các vỉa hè của Việt Nam còn chưa tương thích với người già, người đi xe lăn. Nếu thực sự quan tâm đến vỉa hè thì đây là một vấn đề khổng lồ hơn là màn trình diễn của một phó chủ tịch quận.

Xem thêm

Lặng mình chiêm ngưỡng các kiệt tác quy hoạch thành phố từ trên cao

Lượng cá chết ở Hồ Tây lên đến 76 tấn

Vỉa hè - một góc hồn Hà Nội

Glasgow, trò chơi thỏa sức trên vỉa hè cho mọi lứa tuổi

P.V

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/ha-noi-cuong-che-nha-noi-tphcm-dap-don-he