Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Theo Đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành, UBND TP đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh: M.H

Có ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng

Trong đó, có 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn NTM; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đồng thời, có ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP được TP đánh giá, phân hạng. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55-60%; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt trên 95%.

Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ danh hiệu Thôn, Làng văn hóa đạt 65%; tỷ lệ Gia đình được công nhận giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt từ 86-88%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%. Duy trì 100% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã. 100% số thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn.

Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%; tỷ lệ thôn được phủ sóng 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 100%.

Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%. Duy trì 100% số xã đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo theo quy định đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đạt 100%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án nhấn mạnh sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu của TP theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy. Đồng thời, Đề án đặt ra 11 nhiệm vụ trọng tâm với 58 nội dung như: nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống KTXH nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn cơ bản đồng bộ, hiện đại, theo hướng phát triển đô thị; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân,…

Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội cho biết, TP đã hoàn thành chỉ tiêu số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu so với kế hoạch năm 2023. Cùng với đó, có thêm 2 sản phẩm OCOP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt 5 sao.

Cụ thể, đối với mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, hiện nay TP đã có 6 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Dự kiến đến cuối năm 2024, TP Hà Nội cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu này.

Năm 2023, Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội đề ra 33 chỉ tiêu, đến hết năm đã có 25 chỉ tiêu hoàn thành. Đến hết năm 2023, lũy kế có 183 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, đến năm 2025 có 156 xã); hoàn thành 48 xã, nâng tổng số lên 68 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, đến năm 2025 có 80 xã). Còn chỉ tiêu về OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), kế hoạch của TP sẽ đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm nhưng năm 2023 đã có 545 sản phẩm… Như vậy, TP đã hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện NTM theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Đặc biệt, Hà Nội đã đáp ứng được 2 quy định đầu tiên trong số 8 điều kiện cần theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là có 100% số huyện, thị xã (hoặc Thành phố) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Với những kết quả đạt và vượt kế hoạch được giao, Chương trình xây dựng NTM được đề cử bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô trong năm 2023.

Việc xây dựng NTM trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ lưỡng các chỉ tiêu; tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát đôn đốc các đơn vị, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án cấp nước đã được UBND TP chấp thuận, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cấp nước được giao theo kế hoạch, đặc biệt là các huyện đang phấn đấu hoàn thành huyện NTM nâng cao; các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, cần tăng cường các chính sách, giải pháp hỗ trợ khuyến khích các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững, giảm các hình thức hỗ trợ trực tiếp; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm...

Để sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ cùng các huyện, thị xã trong việc củng cố và nâng cao 8 quy định theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Thành ủy - UBND TP Hà Nội nếu chỉ tiêu thành phần gặp vướng mắc nhưng chậm được giải quyết, kết quả đạt thấp hơn so với mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Kịp thời phổ biến đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông hiện có của địa phương, đặc biệt là những nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân; phấn đấu đưa Hà Nội sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-den-nam-2025-hoan-thanh-nhiem-vu-xay-dung-nong-thon-moi-374870.html