Hà Nội dựng bục selfie: Ý tưởng Úc, thực tế Việt

Dự án Super selfie khủng nhất VN là ý tưởng đột phá mới trong phát triển du lịch, nhưng bài toán quản lý sẽ nhiều khó khăn.

Cách làm đột phá

Theo Tổng cục Du lịch, dự án Super selfie được xây dựng trên nền tảng công nghệ tin học và nhiếp ảnh hiện đại, giúp người chụp có thể tự chụp ảnh tầm xa, góc máy rộng, lấy được toàn bộ khung cảnh và người chụp với chất lượng cao từ khoảng cách 100m.

Chương trình bắt đầu thử nghiệm trong tháng 8, điểm chụp đầu tiên là Hà Nội, thực hiện từ ngày 20/8 đến 4/9. Vị trí đặt bục chụp là đường Thanh Niên, phía đối diện chùa Trấn Quốc, toàn cảnh hồ Trúc Bạch và Hồ Tây sẽ xuất hiện trong khung hình. Tiếp đến là bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM).

Super Selfie được lấy ý tưởng từ dự án GIGA Selfie dành cho du khách Nhật Bản do Tổng cục Du lịch Úc tổ chức vào tháng 9/2015. Dự án được đánh giá là thành công lớn khi sau đó, số lượng du khách Nhật Bản đến nước này tăng cao kỷ lục.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 19/8, PGS.TS Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho biết: "Ý tưởng mới thì vốn dĩ vẫn chỉ là ý tưởng, nhưng khi đi vào thực tế sẽ có thể xảy ra nhiều vấn đề.

Với cá nhân tôi là người nhiều năm nghiên cứu về du lịch, tôi rất ủng hộ ý tưởng này của Tổng cục du lịch, đây là ý tưởng mới, có sự đột phá, không đi theo những lối mòn xưa cũ, mà không hiệu quả".

Bên cạnh đó, theo ông Lương, cùng với việc triển khai dự án mới, ngành du lịch vẫn rất cần một cái đánh giá chung về hiệu quả của những phương án cũ, để nhìn lại xem đã làm được gì, chưa làm được gì, để có phương án khắc phục bài bản.

Hà Nội là điểm thử nghiệm đầu tiên cho dự án Super Selfie của Tổng cục Du lịch. Ảnh: Facebook Super Selfie

"Từ trước đến nay, ngành du lịch luôn lấy lý do vì số tiền Chính phủ chi cho việc quảng bá, xúc tiến du lịch hàng năm còn quá ít, dừng ở con số 2 triệu USD. Nhưng tôi thì quan niệm, tiêu sao cho hiệu quả, chứ không phải ít hay nhiều.

Trước khi có một ý tưởng mới nên đánh giá lại những việc cũ, để yên tâm, tự tin làm. Tôi luôn ủng hộ những cái mới, những cái gì đột phá, nhưng còn hiệu quả thì không thể đánh giá qua cảm nhận cá nhân", ông Lương chỉ rõ.

Về việc thực hiện dự án Super Selfie sao cho hiệu quả, ông Lương cho rằng, về mặt tâm lý, du khách đi du lịch ai cũng thích chụp ảnh, để về khoe với bạn bè, nó cũng là một hình thức quảng bá, nếu như bản thân dịch vụ, cũng như sản phẩm đi kèm với hình ảnh của mình làm tốt.

Du khách đến chụp hình đó là việc ai cũng muốn nhưng chưa chắc khi ra về họ đã nói tốt về dịch vụ du lịch của chúng ta. Có những cái có thể không chụp mà người ta vẫn nói tốt, nhưng có những người chụp nhưng lại có đánh giá không tốt thì lại gây ra phản ứng ngược.

Ông Lương cho biết: "Cái gốc để quảng bá du lịch từ xưa đến nay vẫn là quảng bá bằng miệng, đó mới là quảng bá đem lại hiệu ứng tốt nhất trong xã hội, còn chụp hình hay không chỉ là minh chứng.

Để có được sự hài lòng của du khách sau khi rời điểm đến, đây mới là điểm quan trọng nhất. Nghĩa là du lịch phải được phát triển một cách đồng bộ, làm tốt từ các khâu dịch vụ, làm sao để du khách hài lòng và không còn tồn tại những nỗi sợ khi đến Việt Nam".

Khó quản lý

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ quản lý, theo ông Lương, dự án nào đưa ra áp dụng vào thực tế cũng đều có điểm tích cực và hạn chế, cái quan trọng là cách xử lý, quản lý ra sao.

Trước những lo ngại về việc quản lý hành vi không tốt của du khách, trong đó có Trung Quốc trong dự án trên, ông Lương nhấn mạnh: "Vấn đề khả năng kiểm soát hành vi không tốt đó là năng lực quản lý điểm đến, chúng ta phải tự nâng cao lên, để giám sát. Còn hạn chế các hành vi không hay với du lịch Việt Nam 100% là điều không thể. Nếu vi phạm thì xử lý, thì phạt sao cho thích đáng, để đủ sức răn đe tránh việc tái diễn, kể cả du khách trong nước hay nước ngoài".

Theo ông Lương, việc thành công hay không thì không lường trước hết được những gì xảy ra. Vì vậy, sau dự án này, Tổng cục nên đánh giá lại, tìm ra câu trả lời đúng nhất cho du lịch Việt Nam.

"Như tôi đã nói, dự án trên chỉ cho một khuôn hình đẹp, chứ không nói lên bản chất của dịch vụ du lịch. Có những nơi rất bình thường, bình dị nhưng lại được du khách rất thích. Vì vậy, phải làm sao kéo được du khách quay trở lại, đó là điểm mấu chốt. Đây chỉ là một trong những phương án thực hiện để thu hút thêm du khách đến với Việt Nam", ông Lương nói rõ.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-dung-buc-selfie-y-tuong-uc-thuc-te-viet-3316805/