Hà Nội giữ nguyên cao trình đê sông Hồng

Dự án cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên kết hợp thay đê đất bằng đê bê tông, mở rộng đường, nhưng không thay đổi cao trình.

Tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 20/6, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, tháng 7 thành phố sẽ triển khai thi công cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông.

Cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên sẽ được thi công trong khoảng 7 tháng. Ảnh: Võ Hải.

Cầu vượt dài 271m, bề rộng 10m, theo hướng đường Yên Phụ - Nghi Tàm (vượt qua nút giao) có tổng vốn đầu tư trên 310 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành sau 7 tháng.

Cùng với việc làm cầu, dự án sẽ thay thế một phần kết cấu đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, dài 1,1 km và thay đổi cao trình đê nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng chống lũ lụt.

“Cao trình đê cũ như thế nào thì giữ nguyên, chỉ thay một phần đê đất bằng bê tông cốt thép với chiều rộng một mét để mở rộng đường. Cao trình vẫn giữ nguyên chức năng đê, điều đó được thành phố khẳng định nhất quán từ trước đến nay”, ông Tuấn nói.

Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý dự án công trình giao thông, cửa khẩu An Dương cũng được mở rộng song song việc xây mới ba cửa khẩu tại ngõ 108, 276 và 310 Nghi Tàm.

Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Phạm Hoàng Tuấn. Ảnh: Võ Hải.

Lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông TP Hà Nội cho hay, trong quá trình thi công, lực lượng công an sẽ hướng dẫn hạn chế phương tiện từ sân bay Nội Bài đi trung tâm thành phố và ngược lại.

Hướng ôtô và xe máy đi từ cửa khẩu An Dương đến khách sạn Thắng Lợi sẽ theo đường Nghi Tàm. Hướng ôtô và xe máy đi từ khách sạn Thắng Lợi đến đường Thanh Niên sẽ đi theo phố Yên Phụ nhỏ. Đường gom ngoài đê sẽ tổ chức xe máy đi hai chiều và ôtô đi một chiều theo hướng từ An Dương về khách sạn Thắng Lợi;

Tuyến Nghi Tàm và phố Yên Phụ nhỏ sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ và xe tải trên một tấn; cấm xe taxi hoạt động từ 6h tới 9h sáng và từ 16h đến 19h. Một số xe khách, taxi có nhu cầu đi vào sẽ được cấp phép riêng. Các xe buýt cũng không dừng trả khách trong phạm vi dự án.

Trước đó ngày 24/1, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp, trong đó nêu đề nghị Bộ “thống nhất phương án hạ cốt đê đến cao độ + 12,4 m”. Thông tin này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến bình luận khác nhau. Trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 16/2), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố không kiến nghị hạ cốt đê sông Hồng mà đề nghị thay thế đê đất bằng đê bê tông đoạn từ trước cửa khách sạn Thắng Lợi đến An Dương.

Theo Võ Hải/Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/ha-noi-giu-nguyen-cao-trinh-de-song-hong-191033/