Hà Nội học TP.HCM đấu giá đất vàng

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, với những thửa đất dư thừa, nếu không cần sử dụng thành phố sẽ đưa ra đấu giá để thu ngân sách.

Đất không cần sử dụng sẽ đấu giá

Chiều 27/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã làm việc với Thành phố Hà Nội.

Cùng tham dự buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo có lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Thành phố Hà Nội.

Báo cáo với Phó Thủ tướng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đã chủ động sắp xếp các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau vào một đầu mối.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Hà Nội

Về kết quả những vấn đề cụ thể, ông Chung cho biết UBND TP Hà Nội chưa tổng kết. Tuy nhiên, nếu như trong năm 2015, chi thường xuyên chiếm tới 58% trong tổng chi ngân sách toàn thành phố; Đến năm 2016, giảm xuống còn 53,3%.

“Thành phố đã tiết kiệm hơn 4%. Chúng tôi đặt ra mục tiêu, trong 5 năm sẽ kéo giảm chi thường xuyên xuống 10%. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm được 10% tổng biên chế”, ông Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ, 2016 là năm thành phố thực hiện đợt tinh giản nhiều nhất, sắp xếp lớn nhất nhưng bộ máy hành chính vẫn hoạt động ổn định, không có đơn thư khiếu nại và thu nhập của người lao động không hề sụt giảm.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội thông báo, sau khi sắp xếp các đơn vị, đến nay Hà Nội dư ra khoảng 100 thửa đất. Trong trường hợp chưa có nhu cầu sử dụng sẽ đưa ra đấu giá để thu ngân sách cho thành phố.

Ông Chung tiết lộ, tới đây, thành phố sẽ đưa những thửa đất này cho trung tâm đấu giá đất quản lý.

"Nếu các cơ quan được sắp xếp là đơn vị hành chính, cần sử dụng đất thì thành phố sẽ giao lại, nếu không sẽ đưa ra đấu giá để thu lại nguồn ngân sách cho thành phố”, ông Chung khẳng định.

Bài học đấu giá của TP.HCM

Trước Hà Nội, TP.HCM cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc đấu giá đất công.

Trong năm 2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất (TP.HCM) đã triển khai công tác đấu giá 28 khu đất, với tổng diện tích là 854,816,7m2. Trong đó, đã có 3 khu đất với tổng diện tích 9.508,9m2 được bán đấu giá thành công và bàn giao cho các đối tượng trúng đấu giá. Số tiền thu về từ đấu giá nộp vào ngân sách thành phố trên 117 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất, là quá trình đấu giá tại khu đất vàng tại số 23 Lê Duẩn, TP.HCM. Khu đất này nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố với 2 mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du.

Khu đất vàng tại số 23 Nguyễn Du, TP.HCM

Ngày 23/6/2015, khu đất này đã thu hút được 13 “ông lớn” tham gia đấu giá với mức giá khởi điểm là 558 tỷ đồng. Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã vượt qua 12 đối thủ và giành chiến thắng với giá 1.430 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm.

Tuy nhiên sau đó doanh nghiệp này đã gửi đơn trả lại đất vàng và đề nghị chính quyền TP.HCM hủy kết quả đấu giá ngày 23/6/2015 đồng thời tổ chức bán đấu giá lại theo đúng quy trình bán đấu giá, thực hiện theo đúng các bước giá cũng như các quy định có liên quan... vì cho rằng phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.

Phía Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đã có đơn trả lời Tân Hoàng Minh, trong đó giải thích việc tổ chức bán đấu giá là đúng quy trình. Sau đó, Tân Hoàng Minh tiếp tục tham gia đấu giá và giành chiến thắng.

Theo thông tin từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh, sau khi đơn vị này trở thành chủ nhân của “khu đất vàng” 23 Lê Duẩn, quận 1 với số tiền đấu giá kỷ lục là 1.430 tỉ đồng, ngày 29/12/2016, tập đoàn này đã hoàn tất thủ tục nộp số tiền này vào kho bạc nhà nước.

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ha-noi-hoc-tphcm-dau-gia-dat-vang-3336275/