Hà Nội mưa ngập do ảnh hưởng bão số 2: Mỗi CSGT là một 'biển báo an toàn'

Trận mưa kéo dài cả ngày (17.7) khiến các cửa hàng kinh doanh đóng cửa nghỉ, người đi đường gặp nhiều khó khăn, một số nơi nước tràn vào nhà. Trên một số tuyến đường, tình trạng nước ngập nặng, nhiều nơi nước ngập lên đến 1 mét. Tình trạng ngập nặng khi mưa lớn kéo dài ở Hà Nội không còn là lạ đối với người dân Thủ đô.

Lộ những điểm đen ngập lụt

Sau trận mưa ngày 17.7, Hà Nội đã lộ những điểm đen ngập lụt, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực Đại lộ Thăng Long, hướng từ Sơn Tây về Hà Nội, đoạn ngã ba Thiên đường Bảo Sơn. Hàng nghìn cư dân sống tại khu đô thị Nam An khánh di chuyển khó khăn, nhiều người đi qua đây xe bị hỏng máy và phải thuê xe kéo để di chuyển.

Mưa ngập nước trên đường Phạm Hùng khiến người dân không thể di chuyển. Ảnh PV

Ngoài khu vực trên, theo ghi nhận của PV tại một số tuyến đường như đường Dương Đình Nghệ, khu chợ Xanh (Cầu Giấy), đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân), tại khu phố Phạm Văn Bạch (trước cửa Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) người đi xe máy phải lội bì bõm, nước mưa tràn lên cả vỉa hè. Khu vực đường rẽ từ đường Phạm Văn Đồng sang đường Hồ Tùng Mậu bị ngập nặng. Xí nghiệp thoát nước Hà Nội phải căng dây để cảnh báo. Tương tự, một số đoạn trên phố Lê Đức Thọ cũng trong tình trạng ngập úng. Nhiều xe máy đã bị chết máy giữa đường vì mưa ngập.

Nước bắn lên tung tóe, ngập đến nửa bánh xe tại gần tòa nhà KeangNam. Ảnh PV

Lý giải về việc cứ mưa là ngập, một số chuyên gia cho rằng, đây là hậu quả của việc lấp hết ao hồ để xây dựng các khu đô thị mới; hậu quả của việc mải lo xây nhà để bán mà “quên” thoát nước.

Điển hình ở khu vực phía Tây; Tây Nam Hà Nội, hệ thống thoát nước đang ở tình trạng “bán đô thị”, tức là các khu đô thị mới, các tuyến đường mới đều có hệ thống thoát nước nội bộ, nhưng hệ thống kênh, mương dẫn nước kết nối đồng bộ để dẫn nước ra sông Nhuệ thì chưa được đầu tư.

Cũng theo các chuyên gia, trong quy hoạch các nước cũng chỉ ra giải pháp chống úng ngập như phải duy trì các công viên cây xanh, các khoảng đất trống, không được bê tông hóa hết. Nhưng thực tế trên địa bàn Hà Nội, giải pháp này thì đang được làm ngược lại.

CSGT Thủ đô ứng trực 100% quân số

Trước những diễn biến khó lường của cơn bão số 2 đang gây mưa, gió lớn ở Vịnh Bắc Bộ cũng như các tỉnh miền Trung, ngày 17.7, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng CSGT Thủ đô ứng trực 100% quân số, sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông dầm mình dưới trời mưa bão trên đường Lý Thường Kiệt. Ảnh PV

Ban chỉ huy Phòng CSGT cũng yêu cầu Ban chỉ huy các đội phải tăng cường tuần tra kiểm soát trên toàn địa bàn quản lý, tập trung tại các điểm ngập úng, các điểm có khả năng ảnh hưởng đến TTATGT do mưa bão, ngập úng như: Hệ thống cây xanh (đặc biệt là các cây to, dễ đổ gây cản trở giao thông); Hệ thống đường dây tải điện, viễn thông, cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông; Các biển quảng cáo, pa-nô, áp phích ngoài trời, trên cao; Nhà cửa, các đoạn đường hư hỏng, các công trình đang thi công sửa chữa, cầu yếu; Các tuyến đường thuộc vùng trũng, thấp hoặc có nguy cơ sạt lở cao.

Các đơn vị huy động tối đa lực lượng, phương tiện phân luồng, hướng dẫn tại các tuyến, nút ngập úng, khu vực ùn tắc giao thông theo phương án bố trí lực lượng đã được chỉ huy phòng phụ trách phê duyệt không để ùn tắc, tai nạn giao thông.

Điệp khúc ngập lụt xảy ra liên tục tại Hà Nội. Ảnh PV

Phòng CSGT cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, tham gia giao thông trong điều kiện mưa to gió lớn; tránh dừng, đỗ xe ở dưới các cây lớn cũng như thực hiện nghiêm các khuyến cáo, yêu cầu của lực lượng chức năng để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

CAO NGUYÊN - TRẦN VƯƠNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ha-noi-mua-ngap-do-anh-huong-bao-so-2-moi-csgt-la-mot-bien-bao-an-toan-684186.bld