Hà Nội muốn cấm xe máy: Bộ trưởng GTVT nói thật

Đến năm 2025, Hà Nội vẫn chưa thế cấm được xe máy tại Hà Nội do thiếu phương tiện công cộng.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT - Trương Quang Nghĩa, tại cuộc họp thường trực Ủy ban An toàn giao thông, ngày 7/9.

Khi trao đổi với ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội về lộ trình hạn chế xe cá nhân vào năm 2025, theo Bộ trưởng Nghĩa, mặc dù rất quyết tâm hạn chế xe cá nhân, nhưng qua ý kiến của một số nhà phân tích, các chuyên gia, bản thân ông cũng thấy rằng thời điểm 2025 chưa thế cấm được xe máy.

Một trong những lý do là do phương tiện vận tải công cộng lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Cũng tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, trên địa bàn Thủ đô có gần 5,9 triệu phương tiện giao thông đang hoạt động, trong đó hơn 596.000 ôtô. Mức tăng phương tiện hàng tháng đang là áp lực lớn mà Hà Nội phải giải quyết.

Hà Nội xem xét cấm xe máy từ năm 2025 khó thực hiện

Biện pháp tổ chức giao thông được lãnh đạo Hà Nội đưa ra là tiếp tục đầu tư hạ tầng, tổ chức phân luồng giao thông, quy hoạch các điểm đỗ xe... để giảm ùn tắc. Đặc biệt, chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân vẫn được đưa vào kế hoạch trong các năm tới.

Trước đó, tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội, ngày 27/6, lần đầu tiên nội dung hạn chế phương tiện cá nhân có lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị. Theo đó, Hà Nội định hướng đến 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô.

Với đề xuất trên, từng chia sẻ với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết: "Việc quan trọng là phải để người dân thấy việc dùng phương tiện giao thông công cộng thuận lợi, an toàn và tiết kiệm hơn.

Đặc biệt, nếu cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nội đô họ sẽ tự nguyện từ bỏ xe cá nhân là xe đạp, xe máy, xe máy điện".

Thiết nghĩ cần có một sự cải tổ mạnh mẽ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia loại hình vận tải này để nâng cao chất lượng phục vụ. Từ nay đến 2025, chỉ còn 9 năm nữa, để làm được thì phải có một lộ trình khoa học, lúc đó người dân mới ủng hộ.

Theo ông Liên, trong khoảng thời gian đó, thành phố Hà Nội phải lo phát triển ổn định hạ tầng giao thông. Cụ thể, từ nay đến 2030, Hà Nội ít nhất cũng phải xây dựng được vài tuyến tàu điện ngầm, tổng số cây số khoảng 350km. Lúc đó nhu cầu đi lại bằng giao thông công cộng đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu người dân.

Nó sẽ có sự hài hòa lợi ích giữa quyền lợi của người dân và xu hướng phát triển của thủ đô.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đây là chủ trương đúng, nhưng điểu quan trọng là giải quyết bài toán phương tiện thay thế cho xe cá nhân của người tham gia giao thông ra sao?.

Để làm được đầu tiên phải có quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông phát triển tốt, rồi sau đó đến vận tải công cộng, thì mới hạn chế được phương tiện cá nhân. Kết cấu hạ tầng đi trước rồi đến các phương tiện công cộng phát triển, sau đó mới được cấm phương tiện cá nhân.

Cũng cho đây là chủ trương đúng, nhưng TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Trường ĐH GTVT Hà Nội nói thẳng: "Cấm xe máy nhưng cấm chỗ nào, khu vực nào, khung giờ nào, phải là bài toán cụ thể, chúng ta chỉ có thể cấm ở một số khu trung tâm, không có vị trí trung chuyển, giao lưu gì nhiều thì mới không ảnh hưởng đến đời sống của dân".

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-muon-cam-xe-may-bo-truong-gtvt-noi-that-3318194/