Hà Nội: Người thu nhập thấp có nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội

(ĐCSVN) - Chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai. Vấn đề được nhiều người dân quan tâm hiện nay là làm thế nào để chủ trương đó trở thành hiện thực, đến được với người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên, nhóm đối tượng có nhu cầu nhà ở lớn trong xã hội?

Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai hàng loạt các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên tại các khu đô thị mới như Pháp Vân – Tứ Hiệp, Mỹ Đình II,… Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp có quy mô cao 15 tầng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) thực hiện. Dự án nhà ở sinh viên tại Khu đô thị Mỹ Đình II, có chiều cao 17 tầng, đáp ứng chỗ ở cho 8.000 sinh viên. Ngoài việc tập trung xây dựng 2 cụm công trình cho sinh viên tại 2 khu đô thị trên, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận danh sách đợt 1 các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cân đối cung cầu nhà ở là nhiệm vụ của thị trường. Tuy nhiên, cũng không thể phó mặc hoàn toàn cho thị trường, vì ngoài thuộc tính kinh tế, nhà ở còn có thuộc tính xã hội, góp phần bảo đảm ổn định xã hội. Mặt khác, thực hiện mục tiêu phân phối nhà ở công bằng còn có ý nghĩa tái phân phối của cải xã hội nhằm giúp đỡ, nâng cao khả năng chi trả để một bộ phận dân cư có nhà ở đạt chất lượng cần thiết. Trên thế giới hiện đại về cơ bản có hai mô hình thực hiện chính sách nhà ở. Thứ nhất, mô hình "thị trường + giúp đỡ", tức là thị trường đóng vai trò chủ đạo, Chính phủ chỉ điều chỉnh hậu quả của sự thiếu công bằng khi cơ chế thị trường vận hành mà không thay đổi hay xóa bỏ sự vận hành của cơ chế đó. Thứ hai, mô hình "thị trường + phúc lợi", vẫn lấy thị trường làm cơ sở, nhưng thực hiện rộng rãi chế độ phúc lợi nhà ở. Trong mô hình này, Nhà nước tái phân phối của cải xã hội mạnh mẽ hơn bằng công cụ như hỗ trợ hoặc giảm thuế cho bên cung để hạ giá thành sản phẩm hoặc trợ cấp trực tiếp cho bên cầu để tăng khả năng chi trả. Theo ông Liêm, xu hướng hiện nay là thiên về trợ cấp cho bên có nhu cầu nhằm bảo đảm sự giúp đỡ đúng mục tiêu, đối tượng cần giúp. Tuy nhiên, để thực hiện được sự hỗ trợ trên cần có cơ chế kiểm soát đất đai, giám sát dòng vốn đầu tư nhà ở để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, Nhà nước cần cụ thể hóa chính sách trợ cấp nhà ở bằng luật pháp, kiểm soát giá cho thuê, lãi suất tín dụng phát triển nhà... TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, vấn đề nhà ở phải được xem xét trong mối quan hệ với chính sách phân phối thu nhập, tiền lương, việc làm. Thu nhập bình quân theo đầu người ở Hà Nội hiện khoảng 10-15 triệu đồng/năm, trong khi giá nhà ở thấp nhất khoảng 400 triệu đồng/căn có diện tích khoảng 50m2. Như vậy, giá nhà ở cao gấp 25-30 lần thu nhập bình quân/người/năm. Có nghĩa là một người làm việc ở Hà Nội phải mất 25-30 năm, với điều kiện không tiêu dùng, mới đủ tiền mua một căn hộ. Vì vậy, theo TS Dương, vấn đề quan trọng hiện nay, bên cạnh việc tạo ra loại hàng hóa đặc thù - nhà ở giá rẻ và thúc đẩy phân khúc nhà ở giá rẻ, cần phải nâng cao tính minh bạch của thị trường nhà đất. Chính sách phát triển thị trường nhà ở trước tiên cần khắc phục nhược điểm của thị trường (tình trạng đầu cơ, chi phí giao dịch thị trường cao, tính minh bạch thấp). Thành phố hoàn toàn có thể ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia thị trường nhà ở để hạn chế sự lũng đoạn và độc quyền của DN nhà nước; khuyến khích thành lập hiệp hội nhà ở của người thu nhập thấp để thực hiện giám sát sự hỗ trợ của Nhà nước; công khai dự án, quy hoạch, bình chọn công khai người thuộc diện thu nhập thấp được mua nhà... Mặt khác, cần tăng kênh dẫn vốn cho thị trường nhà ở xã hội vì nhu cầu của cả DN và người mua đều rất lớn và dài hạn. Đồng thời, sử dụng công cụ tài chính để điều tiết thị trường; đánh thuế lũy tiến đến những người sử dụng quá mức trần nhà, đất; kê khai nguồn gốc thu nhập mua bất động sản để tăng thu cho ngân sách, hạn chế đầu cơ và lành mạnh hóa thị trường. Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp thiết cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội, mới đây một số công trình cũng đã được khởi công xây dựng thí điểm tại Khu đô thị mới Việt Hưng, với hình thức thuê và thuê - mua, 800 căn hộ ở đây có quy mô diện tích từ 35m2 đến 60m2. Với việc triển khai mạnh, nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội tăng mạnh thời gian tới, dự kiến đến năm 2010 đáp ứng khoảng 3.600 đến 5.400 căn hộ cho cán bộ, công chức, còn công nhân các khu công nghiệp tập trung cần khoảng 6.000 căn hộ. Để dành quỹ đất cho việc xây dựng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội đang soạn thảo quy định về quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn Thành phố, trong đó có quy định các khu đô thị mới phải dành 10% quỹ đất xây dựng nhà xã hội. Với mục đích giúp người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở xã hội, Chính phủ cũng vừa có quyết định phân bổ bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ năm, trong đó có 3.500 tỷ đồng dành cho lĩnh vực xây nhà cho sinh viên, 8.600 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông vận tải… Như vậy, trong thời gian tới các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân, sinh viên sẽ được đẩy nhanh, và triển khai đồng loạt, nguồn cung sẽ tăng lên mạnh.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=365844&co_id=30361