Sân tennis 'lấn' sân chơi của sinh viên

Không chỉ riêng tại Trường Đại học Công đoàn, hình ảnh của những sân tennis 'lấn' sân chơi của sinh viên tại các trường đại học đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc...

Sân bóng cũng cho thuê

4h chiều tại khuôn viên Trường Đại học Công đoàn Hà Nội. Lối đi nhỏ hẹp được sinh viên trường tận dụng làm sân đá bóng. Khách ra vào trường đi lại cảm thấy khó chịu và nguy hiểm. "Nếu không đá bóng ở đây còn biết đá bóng ở đâu" - một sinh viên nhăn nhó cho biết. Sân chơi của sinh viên Trường Đại học Công đoàn vốn đã nhỏ hẹp nhưng một bên là sân tennis, một bên là sân bóng quây rào cao, chiếm gần hết diện tích sân trường.

Tuy nhiên, sân bóng, sân tennis không phải dành cho sinh viên trong trường mà lại được cho thuê. Sân tennis chiếm gần nửa sân trường, được quây kín xung quanh. Ngay lối vào án ngữ tấm biển cho thuê với giá 50.000 đồng/h.

Với cái giá "không sinh viên" như vậy, liệu sinh viên nào dám thuê. Không chỉ riêng tại Trường Đại học Công đoàn, hình ảnh của những sân tennis "lấn" sân chơi của sinh viên tại các trường đại học đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc.

K.T. - một sinh viên Trường Đại học Công đoàn cho chúng tôi biết: "Trường có sân bóng nhưng không dành cho sinh viên mà cũng lại dành cho thuê. Sinh viên muốn đá bóng phải làm đơn rồi trình lên Khoa Giáo dục thể chất chờ xếp lịch. Mà thời gian cho sinh viên thường là sáng sớm hoặc đầu giờ chiều - lúc trưa nắng. Giờ "đẹp" người khác thuê mất rồi".

Học thể dục, sinh viên cũng không được vào sân bóng mà học ngay giữa lối đi lại. Thực tế đáng buồn là không chỉ sân chơi của sinh viên bị chiếm dụng cho thuê, đến phòng tại ký túc xá Trường Đại học Công đoàn cũng cho thuê.

Toàn bộ tầng 1 dãy nhà A4 ký túc xá của Trường Đại học Công đoàn đều được sử dụng kinh doanh hàng quán. Trong khi ký túc xá luôn không đáp ứng đủ nhu cầu, nhà trọ trong tình trạng khan hiếm, đội giá thì tầng 1 lại ngang nhiên trở thành nơi kinh doanh quán hàng.

Thiếu nước sạch, căng tin chật hẹp

5h chiều tại nhà 4 ký túc xá Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hoa (sinh viên năm 3, Khoa Ngân hàng) nhờ một bạn trai cùng lớp xuống tầng 1 vác thùng nước tinh khiết với giá 30.000 đồng lên tầng 3 làm nước uống.

"Mấy đứa ở cùng phòng góp tiền mua nước sạch uống chứ nước trong ký túc bẩn lắm chị ạ!". Không tin, tôi vào thử vặn vòi nước mới thấy nước có cặn vàng, khó có thể đun nấu làm nước uống.

Từ rất lâu rồi, câu chuyện về nước uống đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sinh viên trong ký túc của Trường Đại học Kinh tế quốc dân là vấn đề bức xúc của hầu hết sinh viên. Khu ký túc xá có 5 dãy nhà với hơn 3.000 sinh viên nhưng toàn bộ các sinh viên trong ký túc đều phải sử dụng nguồn nước là nước giếng khoan trong khi các hộ dân xung quanh ký túc đều đã được sử dụng nước máy từ lâu.

Hoa cho chúng tôi biết: "Nhiều lần lấy nước, chúng em còn thấy những con giun nhỏ màu đỏ rất sợ, không dám dùng làm nước uống. Tuy nhiên, không phải phòng nào cũng có thể có tiền để mua nước tinh khiết dùng trong thời buổi mọi thứ đều tăng giá.". Vì vậy, nhiều sinh viên vẫn phải "cắn răng" chịu nguồn nước mất vệ sinh tiềm ẩn những nguy cơ gây bệnh tật.

Câu chuyện về căng tin của trường đại học cũng khiến cho nhiều sinh viên ngán ngẩm. Lý do thì có vô vàn nhưng thực tế hiện nay, không ít căng tin của các trường đại học được tận dụng cho thuê, cho tổ chức tiệc cưới. Căng tin tại Học viện Ngân hàng là một ví dụ.

Có mặt tại căng tin Học viện Ngân hàng, chiếc biển "Cơm sinh viên" bé tẹo núp dưới chữ “Hỉ” tại cửa căng tin. "Những ngày cuối năm, có hôm còn có 2 đám cưới tổ chức một ngày. Nhiều khi chúng em cũng không dám ăn vì sợ thức ăn thừa từ đám cưới" - một sinh viên phân trần với chúng tôi.

Để sinh viên có thể yên tâm học hành, những quyền lợi tối thiểu nhất dành cho sinh viên trong môi trường đại học cần được đảm bảo

Đình Long

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/120985.cand