Hà Nội: Niêm phong và tiêu hủy hơn 2.000 lít rượu không nguồn gốc

Hiện Hà Nội đã thành lập gần 700 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành quyết tâm "truy xuất" nguồn gốc của rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn

Tối 16/3, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo về tình hình điều tra, xử lý các trường hợp ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) trên địa bàn.

Báo cáo cho biết, sáng 16/3, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhà hàng bia (số 71 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân). Tại đây, quan kiểm tra test nhanh 3 mẫu rượu đều âm tính với methanol. Dù test nhanh không phát hiện methanol nhưng đoàn cũng tiến hành tịch thu loại rượu trắng tại đây vì không có nguồn gốc xuất xứ. Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung yêu cầu nhà hàng không kinh doanh các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Hiện Hà Nội đã thành lập gần 700 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, trong đó Sở Y tế có 8 đoàn, Sở Công Thương có 33 đoàn, các quận/huyện/thị xã và phường/xã/thị trấn có 645 đoàn đồng loạt triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu. Hiện các đoàn đã kiểm tra được 2.250 cơ sở, niêm phong hơn 25 nghìn lít rượu, 751 chai rượu các loại, tiêu hủy 633 lít rượu không nguồn gốc và xử lý 359 cơ sở với số tiền phạt gần 650 triệu đồng.

Riêng ngày đầu ra quân thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu trên địa bàn thành phố (từ 16/3 -15/4), các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hơn 400 cơ sở, trong đó cảnh cáo và xử phạt 40 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng, niêm phong hơn 2.000 lít rượu và tiêu hủy khoảng 215 lít rượu không nguồn gốc.

Nạn nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai

Trước đó, tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng chống ngộ độc methanol diễn ra sáng 15/3 tại UBND TP Hà Nội , Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu, từ ngày 16/3, toàn thành phố Hà Nội sẽ ra quân đồng loạt tổng rà soát, kiểm tra từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, các cửa hàng, nhà hàng, quán nước… Đợt ra quân này sẽ kéo dài trong 1 tháng (từ ngày 16/3- 15/4). Riêng các sở, ngành của thành phố phải thành lập 10 đoàn; các quận/huyện cũng phải tổ chức 10 đoàn kiểm tra liên ngành. Việc thanh, kiểm tra rượu cũng áp dụng giống kiểm ATVSTP được triển khai thời gian qua.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các quận/huyện/thị xã của thành phố phụ trách ATVSTP phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/ tháng; Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải ít nhất đi kiểm tra 1 lần/ tuần; Phó Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/tuần, ghi rõ biên bản ngày giờ đi kiểm tra.

Được biết, đến thời điểm này trên địa bàn Hà Nội có 25 bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol. Số người ngộ độc rượu tập trung nhiều ở quận Đống Đa (10 ca) và Cầu Giấy (10 ca)… Hiện chỉ còn 1 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), 21 bệnh nhân đã xuất viện, 3 bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

Nguyễn Hoàng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ha-noi-niem-phong-va-tieu-huy-hon-2000-lit-ruou-khong-nguon-goc-n129287.html