Hà Nội phát triển cây ăn quả: Tập trung vào chất lượng

KTĐT - Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ quả của thị trường Hà Nội khoảng 960.000 tấn/năm nhưng sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 20%.

Tại hội nghị góp ý xây dựng Đề án phát triển cây ăn quả Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2050 vừa được tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất Hà Nội nên tập trung phát triển cây ăn quả theo chiều sâu thay vì mở rộng diện tích.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 13.535ha diện tích trồng cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì (1.921ha), Chương Mỹ (965ha), Sóc Sơn (946ha), Sơn Tây (867ha), Mê Linh (854ha)… Sản lượng quả năm 2010 đạt hơn 165.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm không đồng đều về hình dạng, kích thước và màu sắc. Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết, công nghệ xử lý, bảo quản, vận chuyển sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội hiện còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công truyền thống nên chất lượng chưa cao. Diện tích cây ăn quả chăm sóc không đúng kỹ thuật, tỉa cành, tạo dáng, bón nhiều phân vô cơ… chiếm tới 90%. Đặc biệt, nguồn giống đảm bảo chất lượng vẫn còn thiếu, hầu hết giống do người dân tự chiết, ghép cây giống. Ngoài ra, tổ chức sản xuất cây ăn quả còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết…

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ quả của thị trường Hà Nội khoảng 960.000 tấn/năm nhưng sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Chính vì vậy, việc xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường Thủ đô là việc làm cấp thiết. Theo Đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2050 do Sở NN&PTNT xây dựng, mục tiêu đến năm 2015, diện tích cây ăn quả Hà Nội đạt 16.400ha, tăng 3.000ha so với hiện nay. Trong đó, diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao gồm bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam Canh, nhãn chất lượng, chuối nuôi cấy mô trồng mới được 1.500ha, thâm canh cao đạt 550ha. Đến năm 2020 diện tích cây ăn quả đạt 18.000ha.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Hồng Bình, Viện phó Viện Nghiên cứu rau quả, Hà Nội không nên phát triển chạy theo số lượng mà chỉ nên duy trì diện tích hiện có và đầu tư vào thâm canh, tăng năng suất, chất lượng quả. TS Bình lấy ví dụ, vụ vải vừa qua ở Bắc Giang, giá vải có lúc chỉ đạt 3.000 - 4.000 đồng/kg nhưng diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn có giá 15.000 đồng/kg. "Hiện nay, diện tích cây quả đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hà Nội rất ít. Vì thế, thành phố nên tập trung phát triển theo hướng này, biến cây ăn quả trở thành sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị" - TS Bình bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà nội Trần Xuân Việt cho biết, nếu theo Đề án, việc phát triển cây ăn quả sẽ triển khai tại 13 huyện với khoảng 50 điểm. Như vậy là quá nhiều, vì vậy, chỉ nên chọn một số vùng tập trung, trong đó các vùng này được đầu tư đồng bộ từ vốn, giống, đến hạ tầng sản xuất, sơ chế, bảo quản. Từ mô hình mẫu này sẽ nhân rộng ra các vùng khác. Ngoài ra, một đặc thù là cây ăn quả phải sau 2 - 3 năm mới cho thu hoạch, trong khi cần nguồn đầu tư lớn. Vì vậy, cần tính toán xen canh để đảm bảo thu nhập cho người nông dân.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/312336/ha-noi-phat-trien-cay-an-qua-tap-trung-vao-chat-luong.aspx