Hà Nội sẽ xây cầu hay hầm Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng?

Trong số các dự án cầu vượt sông Hồng đang được UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai, công trình vượt sông đoạn qua đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Thông tin về việc chuẩn bị đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt sông Hồng, sông Đuống đã nhận được sự quan tâm của người dân và dư luận. Trong đó, công trình vượt sông Hồng từ đường Trần Hưng Đạo nhận được sự chú ý đặc biệt. Nếu lựa chọn phương án xây hầm, đây là lần đầu tiên Hà Nội có một công trình ngầm vượt sông Hồng.

Việc lựa chọn xây cầu hay hầm đoạn Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

Việc lựa chọn xây cầu hay hầm đoạn Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

Tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, công trình vượt sông đoạn qua đường Trần Hưng Đạo được xây dựng với mục tiêu kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông của thành phố. Đồng thời, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương (hai cây cầu này thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm).

Với chiều dài 3km và rộng 20m, công trình dự kiến có tổng mức vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, theo hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ khai thác quỹ đất tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (34ha); quỹ đất tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (78,4ha); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối, quận Long Biên (320ha) và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước (khoảng 135ha) để thanh toán cho nhà đầu tư. Như vậy, tổng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư vào khoảng gần 600ha.

Theo thông tin được đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chia sẻ thì công trình vượt sông Hồng đoạn Trần Hưng Đạo sẽ xây dựng cầu. Tuy nhiên, tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ, công trình này chưa xác định cụ thể mà được ghi là cầu/hầm Trần Hưng Đạo.

Trong khi đó, tại Báo cáo số 223/BC-UBND gửi Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai một số dự án trên địa bàn của TP Hà Nội ký ngày 7-8-2017 của UBND TP Hà Nội, công trình này được dự kiến là “cầu chui Trần Hưng Đạo” với chiều dài khoảng 3,1km, có điểm đầu tại nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; kết thúc tại nút giao cắt với đường Long Biên - Thạch Bàn, quận Long Biên.

Hầm hay cầu vượt sông?

Trước những băn khoăn xung quanh công trình này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, với mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội, từ quy hoạch của người Pháp năm 1942, sau cầu Long Biên, người Pháp đã dự định xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, kết nối phố Trần Hưng Đạo với sân bay Gia Lâm nhưng không thực hiện được.

Sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính năm 2008, cũng đã có những doanh nghiệp đặt vấn đề đầu tư xây dựng dự án này. Công trình này có mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trong nội đô, kết nối giao thông công cộng giữa phía Bắc sông Hồng với phía Nam sông Hồng, tạo thuận lợi để khai thác lợi thế của sân bay Gia Lâm.

“Cần xem xét lựa chọn hình thức xây dựng. Theo quy hoạch đã được duyệt, Thủ tướng Chính phủ chưa khẳng định công trình là cầu hay hầm. Thời gian vừa qua, TP.HCM cũng đã làm hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, điều kiện địa chất của sông Hồng rất khác, vì vậy, khi quyết định xây dựng cầu hay hầm cần có ý kiến của đa ngành, đánh giá cả về địa chất, thủy văn cũng như tác động của biến đổi khí hậu”, TS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích thêm: “Việc triển khai dự án cũng cần đánh giá khả năng thu hồi đất hai bên đầu cầu ra sao vì dự kiến xây cầu sẽ đòi hỏi giải phóng mặt bằng rất lớn để làm đường dẫn. Phía đầu đường Trần Hưng Đạo là Bệnh viện 108, còn phía đầu cầu bên kia là khu dân cư khiến việc giải phóng mặt bằng không dễ dàng. Trong khi đó, làm hầm thì chi phí cao hơn khoảng 1,5 lần. Việc lựa chọn hình thức đầu tư cần thận trọng và có đánh giá trên cơ sở khoa học”.

Liên quan tới các cây cầu vượt sông Hồng của Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, phải tạo ra được sự kết nối với đô thị hiện có bằng cách hoàn thiện hạ tầng cả tuyến đường dọc bờ sông. Về thời gian dự kiến hoàn thành của công trình trên là năm 2019, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, sẽ rất khó bởi cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được là xây dựng cầu hay hầm.

Hùng Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/ha-noi-se-xay-cau-hay-ham-tran-hung-dao-vuot-song-hong/741508.antd