Hà Nội - thành phố kém an toàn với các em gái?

Theo báo cáo đánh giá nhanh “Thành phố an toàn và thân thiện với em gái” tại Hà Nội năm 2012, chỉ có 16% các em gái tham gia khảo sát luôn cảm thấy an toàn tại các địa điểm công cộng, 8% luôn cảm thấy an toàn khi đi xe buýt và 30% chưa bao giờ cảm thấy an toàn khi đi bộ.

Ảnh minh họa

Hương ở khu chung cư cũ trong nội thành Hà Nội. Vì khu tập thể không có chỗ gửi xe nên Hương phải gửi ở một nhà dân cách khu tập thể 200m. Tuy quãng đường không xa, nhưng mỗi khi đi đâu về khi tối trời, cô rất sợ vì trên đường về phải đi qua mấy quán nước.
“Các quán này lúc nào cũng có đàn ông tụ tập uống rượu, hút thuốc lào. Khi tôi đi ngang qua, không lần nào là không bị những lời trêu ghẹo bậy bạ. Thậm chí, bọn họ còn cười hô hố rất khả ố. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn mình có võ đánh cho bọn họ một trận” – Minh bức xúc kể.
Việc bị trêu ghẹo, cợt nhả khi đi một mình trên đường đối với phụ nữ là chuyện khá phổ biến, không chỉ ở những vùng ngoại thành, hoặc nông thôn, nơi trình độ dân trí còn thấp mà cả ở những thành phố lớn. Thậm chí, đã có những vụ xâm hại tình dục xảy ra khi nữ giới đi một mình ở những nơi vắng vẻ. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra mà nạn nhân là những em gái hay phụ nữ trẻ. Cá biệt, có những vụ mà nạn nhân còn là những phụ nữ lớn tuổi, những “cụ bà” tuổi thất thập cổ lai hi.
Tại Hà Nội, báo chí cũng từng đưa nhiều tin bài về việc phụ nữ trẻ bị lạm dụng khi đi trên xe buýt hoặc ở những nơi đông người.
Theo một cán bộ truyền thông về bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ Hiện nay, rất dễ để nhận thấy có nhiều phụ nữ của Cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt với bạo lực, quấy rối và lạm dụng tình dục tại rất nhiều nơi bao gồm trường học, trên các đường phố, các phương tiện đi lại công cộng và thậm chí trong chính gia đình họ. Bạo lực và nỗi sợ hãi đối với bạo lức đã và đang giới hạn sự phát triển của phụ nữ, hạn chế việc sử dụng các tiện ích công cộng, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và những quyền con người cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái.
Còn theo báo cáo đánh giá nhanh “Thành phố an toàn và thân thiện với em gái” tại Hà Nội do tổ chức PLAN International, Women in Cities International và UN Habitat thực hiện năm 2012, chỉ có 16% các em gái tham gia khảo sát luôn cảm thấy an toàn tại các địa điểm công cộng, 8% luôn cảm thấy an toàn khi đi xe buýt và 30% chưa bao giờ cảm thấy an toàn khi đi bộ.
Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động thiết thực phòng chống và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon đã quyết định lựa chọn ngày 25 hàng tháng là Ngày Cam. Được dẫn dắt với chiến dịch Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ của Liên Hợp Quốc (UNiTE), từ khắp nơi trên thế giới, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, tổ chức xã hội dân sự đã thực hiện rất nhiều hoạt động để hưởng ứng Ngày Cam.
Những thông điệp của Ngày Cam hàng tháng là lời nhắc nhở tới tất cả những ai mong muốn chấm dứt bạo lực giới trên khắp thế giới và tại Việt Nam, một số thông điệp rất cụ thể như “Gia đình an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Trường học an toàn cho trẻ em gái, Không gian mạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em” và chủ đề cho Ngày Cam 25 tháng 10 là “ Không gian cộng cộng an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Mỹ Hạnh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/xa-hoi/tin-tuc/23_1831037/ha_noi__thanh_pho_kem_an_toan_voi_cac_em_gai.html