Hà Nội tìm cách thu hút nhân tài

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc so với quy định tại Luật Thủ đô 2012. Dự thảo chỉ ra quy định chung về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cho cả nước.

Trọng dụng, thu hút nhân tài

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới công tác thu hút nhân tài. Tại Luật Thủ đô năm 2012, chính sách trọng dụng nhân tài đã được đề cập rõ nét, áp dụng với các đối tượng là người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động. Thủ khoa xuất sắc nếu về công tác tại Hà Nội sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như được hỗ trợ 1 lần bằng 20 tháng lương tối thiểu, sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận…

Nhiều ý kiến đóng góp để Hà Nội thu hút, trọng dụng nhân tài theo dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi

Nghiên cứu sinh Đinh Thái Quang (Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã thực hiện nhiều hình thức để thu hút, trọng dụng nhân tài như xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển; tuyên dương, khen thưởng thủ khoa xuất sắc và tuyên dương, khen thưởng chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành. “Công tác thu hút nhân tài đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội, giúp Hà Nội đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội…” - ông Đinh Thái Quang nói. Theo ông Đinh Thái Quang, từ năm 2013 đến năm 2022, Hà Nội đã tuyển dụng không qua thi tuyển 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có 43 công chức, 12 viên chức; 77 vận động viên xuất sắc đoạt huy chương tại các giải thi đấu thể thao quốc tế, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vào làm việc tại các đơn vị. Tuy nhiên hiện nay, một số chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội bộc lộ những bất cập, chưa hấp dẫn, mới chỉ chú trọng đầu vào mà chưa trọng dụng. Chẳng hạn như trong quá trình thu hút nhân tài, Hà Nội thực hiện tuyển dụng không qua thi tuyển nhưng các thí sinh phải trải qua kỳ thi sát hạch, tỷ lệ những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học trong nước và những người tốt nghiệp loại giỏi trở lên ở các trường đại học nước ngoài trượt sát hạch chiếm tỷ lệ rất cao. Điều này gây ra những thông tin trái chiều trong dư luận.

Hà Nội tôn vinh Thủ khoa xuất sắc và có nhiều chính sách để thu hút nhân tài

TS Đoàn Thị Tố Uyên (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, hiện nay, khâu thu hút nhân tài được chú trọng nhưng việc bố trí, sắp xếp, sử dụng nhân tài chất lượng cao lại chưa được quan tâm đúng mức. “Nhân lực chất lượng cao thực sự thường rất quan tâm đến môi trường làm việc, muốn được thể hiện năng lực. Tuy nhiên, môi trường làm việc thiếu năng động, cách quản lý hành chính quan liêu có tính phổ biến hiện nay đã làm hao hụt trí tuệ, giảm đi sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của nhân lực chất lượng cao” - TS Đoàn Thị Tố Uyên nói.

Đồng quan điểm cho rằng Hà Nội đã có nhiều chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng TS Tạ Quang Ngọc (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội cần được đánh giá một cách nghiêm túc về tính khả thi khi thực hiện, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, khi hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài có vai trò vô cùng quan trọng.

Nhiều chính sách đột phá để thu hút nhân tài

Theo PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta. Điều 16 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.

Theo TS Tạ Quang Ngọc, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao. Tuy vậy, để chính sách này đem lại hiệu quả thiết thực, ông Tạ Quang Ngọc đề xuất: “Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ về vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ 1 lần và chính sách ưu đãi khác về lương và thu nhập đảm bảo ổn định của nhân lực chất lượng cao so với cán bộ công chức, viên chức khác… Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Thủ đô cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác thì mới có thể giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao cống hiến cho Thủ đô”.

Theo TS Đoàn Thị Tố Uyên, Hà Nội cần đẩy mạnh việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức như sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm… để vừa khắc phục được tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này. Theo bà Tố Uyên, chính sách này có ý nghĩa lớn trong việc phát huy sức mạnh tri thức của toàn dân tộc, bổ sung tri thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Đồng quan điểm cho rằng cần chế độ đãi ngộ thích đáng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, TS Đoàn Thị Tố Uyên nói: “Bên cạnh việc quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị, thành phố quyết định sử dụng ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, thì chính sách này còn hướng tới việc tạo môi trường làm việc tốt, phải đảm bảo nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài… Nhân lực chất lượng cao cần được giao nhiệm vụ tương xứng, phù hợp với tài năng của họ, được tôn trọng và ghi nhận, tôn vinh cống hiến của họ; việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ, cơ hội thăng tiến trong công việc cần được xem xét khách quan, công bằng. Bên cạnh đó, lương trả cho nguồn nhân lực chất lượng cao phải dựa trên hiệu quả công việc và thường xuyên điều chỉnh, đảm bảo cạnh tranh với khu vực ngoài Nhà nước; tạo điều kiện cho họ tiếp tục học tập nâng cao trình độ…”.

TS Trần Thị Quyên (Đại học Luật Hà Nội) cũng nêu quan điểm, hiện nay thu hút nhân tài hầu như mới chú ý tới bằng cấp, chưa chú ý nhiều đến thực tiễn. Các quy định mới về thu hút nhân tài cần chú trọng hơn đến thực tiễn. “Nên xây dựng mức lương riêng và cụ thể cho nhân tài, có thể cao gấp 8-10 lần so với mức lương của công chức thông thường” - TS Trần Thị Quyên nói.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-tim-cach-thu-hut-nhan-tai-post576072.antd