Hà Nội tổng phun hóa chất diệt muỗi

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, các máy phun hóa diệt muỗi trưởng thành công suất lớn được huy động từ 9 tỉnh, thành phố lân cận đã được đưa về Hà Nội. Bắt đầu từ sáng sớm hôm nay 14/8, toàn TP Hà Nội sẽ được phun hóa chất diệt muỗi bằng hệ thống các máy này.

Trước đó, Hà Nội có 2 máy công suất lớn với “vòi rồng” phun thuốc đã được huy động đến các ổ dịch lớn để phun thuốc vào ban đêm. Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trong đợt phun này, Hà Nội sẽ chú trọng đến các khu vực trọng điểm như bệnh viện, chợ, trường học, các bãi đất kẹt. Trước khi phun thuốc, Trung tâm Y tế tự phòng của phường sẽ thông báo đến người dân để có sự chuẩn bị.

Ban ngày các hộ dân trên địa bàn được phun bằng máy phun áp lực nhỏ, máy đeo vai vào từng ngóc ngách trên đại bàn. Ban đêm mới dùng tới máy phun có áp lực lớn để phun những nơi ô tô có thể đi vào. Máy có tầm hoạt động có thể lên tới hơn 2 giờ liên tiếp, “vòi rồng“ có công suất lớn nên có thể phun xa tới cả chục mét. Do vậy, những khu đô thị bỏ hoang, những bãi đất trống tới công trường xây dựng là những nơi “vòi rồng” được phát huy hết khả năng . “Vòi rồng” có góc nghiêng 45 độ để thuốc có thể vươn tới các mái nhà thấp, những điểm đọng nước trên cao. Mọi công thức đã được tính toán kỹ lưỡng để khi phun cho hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, theo ông Cảm, phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại các ổ lăng quăng, bọ gậy trong các hộ gia đình. Các ổ bọ gậy này sẽ tiếp tục phát triển thành muỗi truyền bệnh và sẽ tiếp tục gây dịch trong cộng đồng.

PGS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Y tế dự phòng cũng cho biết, tất cả hóa chất dùng phòng chống dịch hàng năm đều được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng. Việt Nam trước khi đưa thuốc vào lưu hành cũng phải thử nghiệm thực địa ở cả 3 miền. Trong quá trình sử dụng thuốc, các viện chức năng phải liên tục kiểm tra đánh giá và thay đổi hóa chất để phòng tình trạng muỗi kháng thuốc.

“Nếu có dịch phải phun hóa chất 2 lần cách nhau 7-10 ngày để tiêu diệt muỗi, hóa chất không tồn lưu nên thực tế nhiều người dân thắc mắc sao vừa phun một tuần lại đầy muỗi trong nhà”- ông Phu nói và cho biết thêm, phun hóa chất tiêu diệt muỗi chỉ có tính thời điểm để dập dịch sốt xuất huyết, là biện pháp ngắn hạn cần thiết. Quan trọng nhất vẫn là tìm diệt các ổ bọ gậy, nơi loăng quăng tồn tại, việc phòng chống bệnh mới bền vững.

Còn theo PGS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Pasteur TP HCM, hóa chất có hiệu quả diệt muỗi hay không còn phụ thuộc vào kỹ thuật phun. Trong đó 5 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc diệt muỗi bao gồm giờ phun, cách phun, nhiệt độ môi trường, cách pha hóa chất và mật độ loăng quăng ở thời điểm phun xịt. Nếu môi trường không giảm mật độ loăng quăng, vừa phun muỗi xong thì chúng lại tiếp tục nở ra rất nhiều.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, muỗi hoạt động tốt nhất ở 25-28 độ C. Do đó các đội phun xịt thường chọn thời điểm buổi chiều tắt nắng để diệt muỗi. Khu vực tắt nắng mà thời tiết vẫn còn nóng thì giờ phun xịt hóa chất nên tiến hành vào buổi sáng sớm.

Theo Đại đoàn kết

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201708/ha-noi-tong-phun-hoa-chat-diet-muoi-2834384/