Hà Nội: Ùn tắc giao thông không giảm vì “loạn” xe chở khách kiểu taxi

Với việc gia tăng đột biến số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu “xe hợp đồng,” xe taxi truyền thống, “taxi dù,” Hà Nội lo ngại và muốn khống chế lượng xe taxi nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Hiện tại, Hà Nội có 19.141 phương tiện được cấp phù hiệu "Taxi Hà Nội", chưa kể “xe hợp đồng” dưới 9 chỗ và “taxi dù”. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với việc gia tăng đột biến số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải dưới hình thức “xe hợp đồng,” xe “taxi dù” và chưa kể các phương tiện xe taxi truyền thống tham gia vận chuyển khách tại thủ đô, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội không cho tăng thêm xe tại các quận trung tâm đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khống chế quy định rõ số lượng và khống chế tổng số xe dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu “xe hợp đồng.”

Gia tăng đột biến xe giống taxi

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay, phương tiện ôtô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố có nhiều hình thức như phương tiện được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”; phương tiện được Sở Giao thông Vận tải các tỉnh khác cấp phù hiệu “xe taxi” về hoạt động tại Hà Nội; phương tiện được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” hoạt động thí điểm và xe “taxi dù”.

Đến thời điểm này, thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, trên địa bàn thành phố có 19.141 phương tiện được cấp phù hiệu "Taxi Hà Nội" thuộc quản lý của 77 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, giảm đáng kể so với thời điểm năm 2012 là 114 đơn vị sau các cuộc sáp nhập.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thời gian qua, tại Hà Nội xuất hiện thêm một loại hình kinh doanh vận tải khách hợp đồng theo hình thức taxi với danh nghĩa cung cấp qua phần mềm ứng dụng. Việc này đã làm tăng đột xuất số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng.

“Loại hình vận chuyển hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi là loại hình tách biệt hẳn với loại hình kinh doanh vận tải bằng xe taxi và các phương tiện này được cấp phù hiệu ‘xe hợp đồng.’. Hầu hết các phương tiện này tuy mang danh nghĩa là ‘xe hợp đồng’ nhưng thực chất lại hoạt động như xe taxi thông thường với phần mềm ứng dụng kết nối với khách hàng,” ông Linh đánh giá.

Tính đến tháng 6/2016, số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi đăng ký cấp phù hiệu “xe hợp đồng” với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là 4.012 xe. Các phương tiện này đang được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng (từ tháng 01/2016 đến 01/2018).

Bên cạnh đó, một nguyên nhân dẫn đến lượng xe taxi ồ ạt gia tăng được Sở Giao thông Vận tải chỉ rõ là do các đơn vị vận tải mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đi lại bằng taxi của người dân trên địa bàn Hà Nội nên một số doanh nghiệp có Giấy phẻp kinh doanh vận tải đang hoạt động tại Hà Nội đã thành lập chi nhánh tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam... để di chuyển phương tiện của đơn vị đầu Hà Nội, đầu tư phương tiện và xin cấp phù hiệu của các tỉnh đó.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm hiện này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xác nhận 7.598 xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi chuyển đi xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác. Qua rà soát, một phần lớn các phương tiện này được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội (khoảng gần 3.000 xe).

Khống chế “xe hợp đồng” dưới 9 chỗ

Theo Đề án taxi đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, năm 2015 số lượng xe taxi của thành phố sẽ phát triển 20.000 xe; đến năm 2020 lên tới 25.000 xe. Hiện, số taxi trên địa bàn Hà Nội phân bố khồng đồng đều. Tại các quận nội thành taxi tập trung đông chiếm 85% số xe đang hoạt động.

Đặc biệt, tại các huyện xa trung tâm, đặc biệt các huyện như Đông Anh, Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín lại không có hoặc không đủ taxi phục vụ, dù người dân ở đây có nhu cầu sử dụng dịch vụ, trong khi các loại hình vận tải khách khác lại chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân.

Trước sự gia tăng lượng xe ôtô dưới 9 chỗ và để giảm ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tạm thời không phát triển thêm số lượng xe taxi tại các quận trung tâm thành phố và các huyện giáp ranh khu vực trung tâm.

Hà Nội sẽ không phát triển thêm số lượng xe taxi tại các quận trung tâm thành phố. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân tại các huyện xa trung tâm thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố nghiên cứu và xem xét cho phép tiếp tục phát triển số lượng xe taxi tại các khu vực này.

“Sở sẽ tăng cường theo dõi, kiểm soát hoạt động và xử lý vi phạm (nếu có) đối với các phương tiện tăng thêm đưa vào hoạt động vận chuyển khách tại các khu vực này, đảm bảo theo đúng phương án đã đăng ký và không tập trung kinh doanh tại các khu vực trung tâm thành phố,” ông Linh khẳng định.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, quy định rõ và khống chế số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” tham gia ứng dụng phần mềm (Grab và Uber-PV) tại Hà Nội; có cơ chế quản lý các phương tiện taxi được Sở Giao thông Vận tải các địa phương khác cấp phù hiệu “xe taxi” về hoạt động tại địa bàn thành phố Hà Nội./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ha-noi-un-tac-giao-thong-khong-giam-vi-loan-xe-cho-khach-kieu-taxi/394962.vnp