Hà Nội ứng phó với tình trạng mưa lũ lớn gây úng ngập

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội có mưa lớn, gây quá tải hệ thống thoát nước và ngập úng ở nhiều khu vực, tuyến đường phố. Mực nước trên các sông, mương, hồ, ao dâng cao, khiến cho công tác thoát nước, chống úng ngập gặp nhiều khó khăn.

Thoát nước khu vực phía tây thành phố còn nhiều bất cập

Tình hình thoát nước, chống úng ngập tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội trong mùa mưa năm nay đã được cải thiện rõ nét. Nhiều người dân ghi nhận nước mưa tiêu thoát khá nhanh và thời gian úng ngập đã giảm xuống đáng kể. Cơn mưa lớn sáng 17-7 gây ngập úng cục bộ tại các tuyến phố: Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Ngô Văn Sở, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Ngô Thì Nhậm, Thụy Khuê, Nguyễn Khuyến, Đội Cấn, Tân Mai, Cao Bá Quát…; một số nơi ngập sâu nửa mét nước, giao thông trên các tuyến đường ngưng trệ và ách tắc tại các tuyến lân cận. Nhưng sau khi mưa ngớt khoảng một đến hai giờ đồng hồ, nước đã cơ bản rút hết, các phương tiện đi lại bình thường. Những năm trước, với những trận mưa như vậy, hầu hết mọi người đều phải lo đối phó với tình trạng úng ngập kéo dài, ảnh hưởng tới đi lại, sinh hoạt gia đình.

Tuy nhiên, thoát nước ở địa bàn phía tây thành phố vẫn là nỗi lo ngại lớn. Khu vực đường vành đai ba, đoạn trước tòa nhà Keangnam và phố Dương Đình Nghệ hễ cứ mưa lớn là ngập. Mưa lớn kéo dài thì cả đoạn đường biến thành biển nước mênh mông. Phố Phan Văn Trường và Chợ Nhà Xanh trong trận mưa ngày 17-7 bị ngập sâu trong nước, mọi phương tiện bị tê liệt. Muốn đi qua đây, mọi người phải lội bì bõm trong làn nước mấp mé tới bụng. Nhiều người nghỉ làm việc để ở nhà tát nước, kê gác đồ đạc. Đến sáng 18-7, các điểm ngập úng ở phố Phan Văn Trường và Chợ Nhà Xanh mới rút hết nước.

Trước đó, trận mưa lúc sáng sớm 13-7 cũng làm cho toàn bộ đoạn đường gom ven Đại lộ Thăng Long, lối rẽ vào Thiên đường Bảo Sơn bị ngập sâu trong nước, mọi phương tiện bị ùn tắc tại đây vì không thể vượt qua quãng đường dài bị ngập nước. Nhiều tuyến phố khác thuộc địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy cũng bị ngập sâu. Trong khi các hoạt động trong nội thành nhanh chóng trở lại bình thường, thì người dân ở những khu vực nêu trên vẫn phải sinh hoạt, đi lại trong cảnh ngập lụt do nước rút rất chậm.

Vì sao khu vực mới phát triển đô với nhiều khu đô thị hiện đại, mà tình trạng ngập úng trong mùa mưa lại gây bức xúc như vậy? Nhiều người nghi vấn về hiệu quả dự án thoát nước đã được thành phố tập trung triển khai nhiều năm qua. Giải đáp thắc mắc này, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương cho biết: Năng lực thiết kế của hệ thống thoát nước khu vực nội thành bảo đảm cho lượng mưa đến 50mm/hai giờ; thế nhưng trong trận mưa nói trên, lượng mưa đo được tại khu vực Mễ Trì là 129mm, Cầu Giấy là 122mm, Nam Từ Liêm là 121mm; khu vực trung tâm thành phố và địa bàn các quận Hà Đông, Hoàng Mai… đều ở mức hơn 100mm. Với lượng mưa lớn như vậy, hệ thống không thể tiêu thoát nước kịp và khó tránh khỏi tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, thời gian úng ngập đã được giảm thiểu tối đa do Dự án Thoát nước, cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã hoàn thành, đưa vào vận hành, nâng cao năng lực thoát nước cho địa bàn thuộc lưu vực sông Tô Lịch. Đây chính là khu vực mà người dân ghi nhận tình trạng úng ngập đã được khắc phục rõ nét. Duy chỉ còn ở khu vực ngõ 165 phố Thái Hà còn ngập lâu do địa hình trũng.

Đối với khu vực phía tây thành phố, cụ thể là địa bàn các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm vẫn bị úng ngập sâu, tiêu thoát chậm là do nằm ngoài phạm vi Dự án thoát nước. Cụ thể, đây là địa bàn thuộc lưu vực Tả Nhuệ (diện tích khoảng 52km2), mặc dù có nhiều khu đô thị mới hiện đại, nhưng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, kết nối đồng bộ, chủ yếu là hình thức tự chảy theo các kênh, mương ra sông Nhuệ (hệ thống kênh mương này vừa phải chống úng cho nông nghiệp vừa phục vụ tiêu thoát nước đô thị). Vì vậy, vào mùa mưa, khu vực này thường xảy ra ngập úng do nước sông Nhuệ dâng cao, không còn khả năng tiêu thoát.

Phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy ngập sau sau trận mưa lớn ngày 17-7. Ảnh: ĐĂNG ANH

Sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa, lũ

Để bảo đảm thoát nước những khu vực nói trên, thành phố cần triển khai các dự án đầu tư, xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống thoát nước theo Phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 725/QĐ-TTg, ngày 10/5/2013). Hiện nay, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa; dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành từ mùa mưa năm 2018. Trạm bơm này là một trong những công trình trọng điểm của thành phố, sẽ giúp hạ mực nước sông Nhuệ, cải thiện việc tiêu thoát nước khu vực phía tây thành phố bao gồm: huyện Hoài Đức và các quận: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (trong đó có khu vực Mỹ Đình và một phần Đại lộ Thăng Long). Đồng thời, trạm bơm này cùng với các công trình đầu mối tiêu nước khác như các trạm bơm Liên Mạc, Yên Thái, sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm tiêu thoát nước cho các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hà Đông và huyện Đan Phượng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đôn đốc sớm hoàn thiện dự án tiền khả thi dự án thoát nước lưu vực Tả Nhuệ với các hạng mục chính như: Cải tạo sông Nhuệ, xây dựng các trạm bơm, kênh dẫn tại các tiểu lưu vực Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Mễ Trì, Ba Xã…

Trước mắt, để bảo đảm công tác thoát nước, chống úng ngập mùa mưa năm nay, Công ty TNHH MTV Thoát nước huy động lực lượng ứng trực thường xuyên, tích cực triển khai nhiều giải pháp như nạo vét kênh mương, làm thông thoáng dòng chảy, vệ sinh ga thu, vận hành hết công suất các trạm bơm nhằm điều tiết mực nước trên toàn hệ thống, thúc đẩy tiêu thoát nước nhanh, rút ngắn thời gian bị úng ngập tại khu vực nội thành, giảm tối đa ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Chiều 18-7, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đi thị sát, kiểm tra đê kè, công trình thoát nước phía bắc thành phố và công tác phòng, chống lụt bão tại địa bàn các huyện Đông Anh, Gia Lâm và quận Long Biên. Đồng chí yêu cầu các địa phương duy trì lực lượng ứng trực thường xuyên, sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn khi các hồ thượng nguồn hệ thống sông Hồng xả lũ. Phải quan tâm công tác tuyên truyền, cảnh báo về bảo đảm an toàn cho nhân dân trong cuộc sống sinh hoạt, an toàn cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận hành các phương tiện đường sông…

Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội có Công điện khẩn số 4, nêu rõ: hồ Thủy điện Hòa Bình sẽ mở một cửa xả đáy vào hồi 18 giờ ngày 18-7 và một cửa xả đáy thứ hai và hồi 6 giờ ngày 19-7. Dự báo mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên nhanh và có thể lên trên 8 m gần mức báo động 1 là 9,5m. Vì vậy, thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã dọc sông Đà, sông Đuống, sông Hồng và các sở, ngành liên quan chủ động các phương án bảo đảm an toàn, thông báo cho nhân dân những vùng thấp, trũng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở chủ động phòng tránh, sơ tán; kiểm tra và kiên quyết sơ tán nhân dân khu vực bãi giữa. Các địa phương kiểm tra chặt chẽ hoạt động các phương tiện trên sông, tạm ngừng hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của nhà nước và nhân dân ở vùng có khả năng ảnh hưởng của lũ; tăng cường kiểm tra đê, kè, cống, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân ngập sau sau trận mưa lớn ngày 17-7. Ảnh: ĐĂNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33505302-ha-noi-ung-pho-voi-tinh-trang-mua-lu-lon-gay-ung-ngap.html